Hoạt động của ngành

Đổi thay từ du lịch Đường Lâm

Cập nhật: 02/12/2020 09:35:16
Số lần đọc: 726
Để tăng thêm sức hút với khách nội địa, Làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã và đang có nhiều thay đổi trong cách làm du lịch cộng đồng. Từ đó, du lịch tại Đường Lâm bước đầu thu được nhiều kết quả khả quan, tạo sự lan tỏa trong xã hội.


Du khách trải nghiệm làm tương tại một hộ dân ở Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây).

Chung tay làm du lịch cộng đồng...

Qua cánh cổng làng Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm hiện ra thanh bình, mang dáng dấp của một ngôi làng truyền thống vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đường làng sạch sẽ, nhiều gia đình trồng thêm hoa trước cửa. Phía ngoài cổng làng Mông Phụ, dịch vụ xe điện và xe đạp để du khách sử dụng làm phương tiện trải nghiệm được quy hoạch thành khu riêng. Phó Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, dù lượng khách đến với Đường Lâm giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song các gia đình vẫn bảo nhau giữ gìn cảnh quan môi trường. Việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm được thực hiện thường xuyên trong tuần, hoa tươi được chăm sóc hằng ngày. 

Làng cổ Đường Lâm giờ đây phát triển mạnh về du lịch cộng đồng. Nhiều gia đình coi du lịch là nguồn thu nhập chính, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo ông Khuất Văn Thắng, chủ cơ sở “Bếp Làng” ở Đường Lâm, để hấp dẫn du khách nội địa, thời gian qua, cơ sở đã tổ chức thêm một số hoạt động trải nghiệm ngay tại cơ sở ăn uống của mình, như khách được tự tay rang gạo nếp, làm rượu hoa… Cách cơ sở ăn uống của ông Thắng không xa, từ hai tháng nay, cơ sở lưu trú của anh Nguyễn Tiến Quyết là lựa chọn mới đối với du khách có nhu cầu qua đêm. Anh Nguyễn Tiến Quyết cho biết: “Để thu hút khách nội địa lưu trú qua đêm, yếu tố tiện nghi phải được bảo đảm. Chúng tôi chủ động giới thiệu, quảng bá dịch vụ trên website riêng và mạng xã hội. Các gia đình làm dịch vụ du lịch có sự kết nối chặt chẽ để mang đến sự hài lòng cho du khách”.

Sự đổi mới cách làm du lịch của Đường Lâm đã mang đến sự hài lòng nhất định cho khách nội địa. Cùng gia đình du lịch tại Làng cổ Đường Lâm vào đầu tháng 11 vừa qua, chị Hoàng Thu Hiền (phường La Khê, quận Hà Đông) chia sẻ: “Đường Lâm đã đổi khác nhiều so với 2 năm trước. Gia đình tôi rất hài lòng khi lưu trú và trải nghiệm một số hoạt động làm nông nghiệp, như gặt lúa, làm bánh, kẹo do người làng hướng dẫn”.

Theo Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm, hiện trong làng có hơn 100 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, trong đó có hơn 20 hộ cung cấp dịch vụ lưu trú. Các gia đình tạo sự liên kết chặt chẽ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách. Từ tháng 9/2020 đến nay, du lịch cộng đồng tại Đường Lâm đón trung bình khoảng 2.000 khách/tháng.

... mô hình mới gặt hái thành công

Dịch Covid-19 là “phép thử” lớn cho hoạt động du lịch tại Làng cổ Đường Lâm. Theo Phó Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An, ngay từ tháng 9/2020, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm đã có nhiều cuộc họp với người dân để sắp xếp lại dịch vụ du lịch, hướng tới sự chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm. “Trước kia, nhiều gia đình cùng làm kẹo lạc, chè lam, bánh tẻ…, nhưng giờ đây chia ra mỗi hộ thực hiện một sản phẩm là thế mạnh của mình. Những hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú được hướng dẫn về tác phong phục vụ chuyên nghiệp. Việc sắp xếp này đã tạo điểm mới cho du lịch cộng đồng tại Đường Lâm, giúp khách có trải nghiệm tốt hơn”, ông Nguyễn Trọng An nói.

Tại Đường Lâm, trong thời gian qua, cơ sở sản xuất kẹo lạc Hiền Bao đã đón nhiều đoàn khách học sinh đến trải nghiệm. Theo chủ cơ sở Cao Văn Hiền, ngoài việc làm kẹo bán ra thị trường với số lượng trung bình khoảng 1,5 tấn/tháng, gia đình ông còn có thêm thu nhập từ việc phục vụ các đoàn khách đến trải nghiệm việc làm kẹo lạc. Trong khi đó, cơ sở làm bánh chè lam của ông Nguyễn Văn Hùng cũng có thêm thu nhập kể từ khi gia đình vừa phục vụ ẩm thực, vừa mở thêm hoạt động trải nghiệm cho khách tự làm và thưởng thức tại chỗ.

Đánh giá về sự đổi thay trong cách làm du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đường Lâm, Giám đốc Công ty Timetravel Nguyễn Thị Thủy cho rằng, việc chung tay thực hiện mô hình du lịch mới đang tạo chuyển biến rõ nét trong việc thu hút sự quan tâm của du khách nội địa. Còn theo Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài, Đường Lâm đã trở thành điểm sáng trong thay đổi mô hình để kích cầu du lịch nội địa của Hà Nội.

Để giúp các đơn vị tạo tour du lịch, tuyến mới, tăng lượng khách đoàn, vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát tại thị xã Sơn Tây, trong đó có Làng cổ Đường Lâm, với sự tham gia của gần 40 đơn vị lữ hành. Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, sự chung tay của bà con mang đến sức sống mới cho hoạt động du lịch ở Làng cổ Đường Lâm, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến khảo sát du lịch, giới thiệu và nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác, nhằm tạo hiệu quả lớn hơn trong việc thu hút du khách nội địa./.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục