Tin tức - Sự kiện

Hàng không và Du lịch cần liên kết hướng tới phát triển bền vững

Cập nhật: 13/06/2024 11:21:04
Số lần đọc: 675
(TITC) - Chiều ngày 12/6, tại Hà Nội, Báo Nhân dân tổ chức Hội thảo Hàng không - Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: TITC)

Hội thảo có sự hiện diện của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; lãnh đạo các địa phương, hiệp hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không cùng các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh 5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng và đóng góp quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Góp phần vào sự phục hồi này không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các hãng hàng không theo một cách không mong muốn là bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm phân tích thực trạng phát triển của ngành hàng không, du lịch hiện nay và quan trọng nhất là cùng thảo luận để thiết lập các sáng kiến hợp tác giữa hai ngành này một cách thực chất, hiệu quả; kiến nghị, đề xuất Chính phủ những giải pháp mới. Từ đó góp phần đưa ngành hàng không, du lịch vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Du lịch và hàng không hỗ trợ cùng nhau phát triển

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, đại dịch Covid-19 dù đã qua vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các hãng hàng không. Các hãng hàng không đã nỗ lực để phục hồi khai thác, nhưng khó khăn nội tại vẫn là rào cản lớn để có thể phục hồi lại như thời điểm trước dịch. Chưa kể cuối năm 2023, những tác động chi phí đầu vào gia tăng, biến động quy mô tàu bay gây áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào giai đoạn cao điểm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: TITC)

Hội thảo là diễn đàn quan trọng để cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không lữ hành, cá nhân, đơn vị quan tâm có thể chia sẻ thông tin, trao đổi ý kiến liên quan đến việc xây dựng và phát triển cầu nối giữa hàng không và du lịch. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kết nối, hợp tác giữa các ngành, cùng đồng hành, chia sẻ, hướng tới phát triển bền vững.

Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh cho biết, trong những năm qua, ngành hàng không và du lịch phát triển đã thúc đẩy lẫn nhau, trong đó có tạo điều kiện thuận lợi đi lại nhanh chóng, dễ dàng cho hành khách khám phá những điểm đến mới, hình thành nhu cầu cho dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, đến việc tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến.

Tổng biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay việc hợp tác giữa hàng không và du lịch hầu hết ở quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết giữa các cơ quan, đơn vị liên quan. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không - du lịch cần được xem xét không chỉ ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, ngành du lịch được xem là điểm sáng với những đóng góp tích cực quan trọng vào phục hồi kinh tế-xã hội chung của địa phương. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của các hãng hàng không khi có đến 80% khách di chuyển bằng phương tiện hàng không khi đi du lịch. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, vẫn còn một số thách thức, tác động đến hoạt động của cả hai ngành du lịch và hàng không trong bối cảnh hiện nay. Đó là nhu cầu của khách du lịch quốc tế đến những điểm đến xa giảm dần; sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các điểm đến trong cùng khu vực; nhu cầu đi lại của khách du lịch bằng đường hàng không thể hiện tính mùa vụ ngày càng rõ rệt... Những xu hướng này tạo ra thách thức đối với cả hai ngành du lịch và hàng không...

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội thảo

Để tháo gỡ những khó khăn trong liên kết du lịch và hàng không, những năm vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp tổ chức các hội thảo: “Hợp tác hàng không - du lịch: Kết nối điểm đến toàn cầu”; “Hợp tác hàng không - du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”... Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tham mưu, đóng góp ý kiến, đề xuất tại nhiều sự kiện, hội nghị liên quan đến liên kết giữa hàng không và du lịch ở nhiều địa phương.

Qua đó, có thể khẳng định, quan hệ hợp tác giữa du lịch và hàng không đã có nền tảng vững chắc. Hai ngành luôn sẵn sàng hỗ trợ, liên kết nhằm mục tiêu chung đưa hình ảnh, vẻ đẹp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, thu hút thêm nhiều khách quốc tế đến Việt Nam; tăng cường phục vụ nhân dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Cần sự vào cuộc, liên kết của tất cả các bên liên quan

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận liên quan đến các nội dung “Cần cơ chế liên kết, hợp tác hàng không - du lịch ở quy mô quốc gia”; “Thay đổi tư duy chiến lược và các biện pháp đổi mới nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác hàng không và du lịch”; “Cần những cái bắt tay lâu dài giữa doanh nghiệp hàng không và du lịch”; “Liên kết giữa địa phương - du lịch - hàng không để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế từ góc nhìn từ doanh nghiệp du lịch”; “Sự hợp tác giữa hàng không và du lịch để giảm giá vé máy bay nội địa”.

Theo các diễn giả, việc tăng giá vé máy bay không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn xảy ra trên toàn thế giới. Đây là xu thế chung trong bối cảnh thiếu hụt máy bay, giá nguyên liệu tăng, chi phí để vận hành máy bay cũng có xu hướng tăng… Song song với việc tăng giá vé, các hãng hàng không đã cố gắng đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng thêm các chuyến bay vào các khung giờ đêm và sáng sớm, đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Phiên thảo luận tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Các chuyên gia cũng nhận định rằng việc tăng giá vé máy bay trong bối cảnh mùa du lịch nội địa sẽ làm ảnh hưởng đến ngành du lịch. Chính vì vậy, để giúp ngành hàng không và du lịch đạt được sự phát triển tích cực, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hai ngành cần có sự vào cuộc tích cực, bàn bạc để thống nhất những lý do, đưa ra những giải pháp cụ thể như: xây dựng một chiến lược hợp tác tổng thể hàng không - du lịch dài hạn. Cần có cơ quan chuyên trách điều phối liên kết giữa hàng không - du lịch, điều này sẽ giúp cho hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết giữa hàng không - du lịch trở nên tích cực và hiệu quả hơn. Tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá một cách chuyên nghiệp, có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - địa phương - cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng những chính sách hỗ trợ ngành hàng không, kích cầu du lịch…

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Nhấn mạnh thêm về nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng điều quan trọng nhất để giảm được vé máy bay, kích cầu du lịch là cần sự vào cuộc, liên kết giữa các bên. Theo Phó Cục trưởng, để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, điểm đến, đường bay, tìm kiếm phân khúc khách hàng cao cấp, chi tiêu cao. Đây cũng là định hướng phát triển du lịch chất lượng, bền vững, hiệu quả. Đẩy mạnh liên kết giữa lữ hành, hàng không, điểm đến, lưu trú, giải trí, ẩm thực, mua sắm… Tập trung nguồn lực để chuyển đổi số công nghệ, dịch vụ, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đặc biệt là cần có vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển hạ tầng, sản phẩm, nhân lực, công nghệ, qua đó tối ưu hóa sự liên kết. Cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương để tháo gỡ những điểm nghẽn, góp phần hỗ trợ du lịch và hàng không cùng cất cánh.

Cùng quan điểm với lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm cho biết, trước bối cảnh giá vé hàng không tăng, Cục đã đề nghị các hãng hàng không tăng hiệu suất sử dụng tàu bay, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không tạo ra các sản phẩm khuyến mại, hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm các đường bay, đồng thời sẽ làm việc với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam để đưa ra những giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Đại diện cho doanh nghiệp lữ hành, ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours cho rằng, sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội nghề nghiệp là rất quan trọng, qua đó tạo ra tiếng nói để điều hòa giữa các bên. Đồng thời cần gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến để tạo ra những tour tuyến mới hấp dẫn, giá hợp lý để kích cầu du lịch nội địa.

Mở rộng liên kết du lịch với nhiều loại hình vận tải

Một trong những nội dung được các đại biểu đồng tình và ủng hộ tại hội thảo là việc du lịch mở rộng liên kết, hợp tác với các loại hình vận tải khác ngoài đường hàng không như đường bộ, đường sắt, đường thủy.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Ông Phạm Hoài Chung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông vận tải cho biết, hiện nay, loại hình vận tải đường bộ và đường sắt đang được nhiều hành khách lựa chọn trong bối cảnh giá vé máy bay tăng. Với sự thay đổi sự tiếp cận, đầu tư, hạ tầng đã tạo ra sự phát triển đột phá cho các loại hình vận tải này. Đẩy mạnh khai thác các loại hình du lịch đường thủy, đường sắt kết hợp với nhiều sản phẩm du lịch mới phong phú để thu hút khách du lịch. Việc phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước ngành giao thông và du lịch sẽ rất quan trọng để tìm ra những giải pháp phù hợp cho các bên.

Thông tin về sự phát triển của ngành đường sắt thời gian qua, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang cho biết, trước sự tăng lượng khách đường sắt cao, ngành đường sắt đã nỗ lực thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ các toa tàu, nhà ga, thu hút thêm nhiều khách du lịch. Đặc biệt, nhiều tuyến đường sắt thu hút rất đông du khách như tuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng, Trại Mát… “Vé tuyến tàu di sản Huế - Đà Nẵng trong các tháng hè cao điểm hiện đã kín chỗ”, ông Khang cho biết.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Năng Khang phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Năm tháng đầu năm, đường sắt đã phục vụ khoảng 3 triệu lượt khách. Trong thời gian tới, đường sắt sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế, địa phương để xây dựng các tour du lịch đường sắt phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TITC)

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Vũ Huy Thưởng cho biết, thời gian qua, du lịch đường sắt Hải Phòng cũng rất phát triển khi nhiều du khách lựa chọn du lịch “food tour” Hải Phòng bằng đường sắt, có những thời điểm cuối tuần xảy ra tình trạng “cháy vé”. Điều này cho thấy sự liên kết giữa ngành du lịch và ngành giao thông vận tải là rất quan trọng, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát động du lịch nội địa trong mùa cao điểm giữa Vietnam Airlines, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 12/6/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT