Tin tức - Sự kiện

Khai thác ẩm thực của đồng bào dân tộc thiểu số để thu hút du lịch

Cập nhật: 13/06/2024 14:13:38
Số lần đọc: 741
Văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) là một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đây sẽ là "mỏ vàng" để khai thác nếu biết gìn giữ và phát huy, góp phần đắc lực cho phát triển du lịch cộng đồng.


 

Ẩm thực của đồng bào các DTTS phía Bắc có sự hấp dẫn, độc đáo riêng. Ảnh: Tiêu Dao

"Mỏ vàng" từ ẩm thực

Văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, đa dạng không chỉ trong cách ăn mặc, mà còn trong ẩm thực. Mỗi dân tộc có những món ăn độc đáo và thú vị, những sản vật tự nhiên, hương liệu từ thiên nhiên đã hình thành món ăn đặc trưng của ẩm thực đồng bào các DTTS khiến nhiều người không thể nào quên. Trên đất nước Việt Nam có nhiều đồng bào DTTS cùng sinh sống. Mỗi dân tộc lại có những món ăn truyền thống được chế biến theo cách thức khác nhau, mang hương vị đặc trưng riêng biệt. Nhiều món ăn vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay và có mặt trong mâm cơm hằng ngày của mỗi gia đình.

Để có những món ăn mang đậm màu sắc và dư vị truyền thống, tại các bản làng, đồng bào các dân tộc đã tự tay tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng, trong vườn nhà để chế biến món ăn chứ không mua những nguyên liệu bên ngoài. Mùa nào thức đấy, các nguyên liệu dùng để làm nên các món luôn tươi ngon và đậm đà dư vị như măng rừng, cá suối, thịt lợn sấy, xôi lá màu, các loại bánh, rau rừng hái bên ven suối... Sau khi đã có nguyên liệu, đồng bào tự tay chế biến món ăn theo những công thức truyền thống. Để có được những món ăn lạ miệng, người sử dụng đã kết hợp các loại gia vị trên rừng như hạt dổi, mắc khén, tiêu, ớt, các loại lá thơm và sáng tạo trong cách chế biến. Mỗi cộng đồng dân tộc ở một địa phương lại có nhiều món ăn ngon độc đáo, được làm ra từ các sản vật nông, lâm nghiệp đặc trưng của địa phương.

Điểm chung của ẩm thực các đồng bào DTTS là sự chân phương, mộc mạc trong cách sử dụng, song hương vị của các món ăn vẫn tạo được sự quyến rũ riêng. Không quá cầu kỳ màu sắc, không cắt tỉa tạo hình kỳ công, những món ăn được chế biến bằng cách nướng, luộc, xông khói, hoặc nêm nếm bằng các gia vị miền núi như tiêu rừng, lá rang rây... tạo nên một hương vị đặc trưng. Người dân Ê Đê ở Tây Nguyên rất nổi tiếng với món măng nướng xào “vêch” bò. Đặc biệt, họ chỉ thết đãi món ăn này cho những vị khách mà họ quý mến. Đặc sản của đồng bào Cor (Quảng Ngãi) lại là món trộn ong vò vẽ với măng. Za zá được xem là món ăn ngon miệng đặc trưng của người Cơ Tu ở Quảng Nam. Món za zá thường được chế biến từ các món thịt rừng hay thịt ếch, chim, cá, gà... của đồng bào chăn nuôi hay bẫy được.

Độc lạ nhất trong các món ẩm thực vùng cao có lẽ là món bánh trứng kiến - loại bánh đặc biệt được coi là đặc sản của dân tộc Tày, Nùng miền núi phía Bắc. Trong vốn ẩm thực của đồng bào Tây Bắc, phải kể đến những món ăn truyền thống như khảu lam (cơm lam) được chế biến trong ống nứa, nhứa mù khửa (thịt lợn hấp), nhứa giảng (thịt trâu sấy gác bếp), pà pỉnh tộp (cá nướng), cáy pỉnh (gà nướng), các loại rau măng và xôi gạo nương, các loại rượu cần...; các món ăn đặc sắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu... của dân tộc Mường, Thái; món gà nướng của dân tộc Dao; hay các loại mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao của dân tộc Ê Đê...

Các dân tộc ở miền Trường Sơn Tây Nguyên với nền ẩm thực đa dạng. Ảnh: Tiêu Dao

Để làm nên những món ăn đậm đà dư vị, đồng bào các dân tộc đã đặc biệt chú ý đến các loại gia vị là các loại cây, lá rừng tại địa phương, yếu tố không thể thiếu trong vốn văn hóa ẩm thực từng dân tộc. Mỗi dân tộc đều có phương thức chế biến các món ăn khác nhau. Tuy nhiên, có điểm chung là đồng bào DTTS thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, xoong, nồi, chảo, lá chuối, bếp than củi để tạo ra món ăn dân dã, độc đáo, giàu bản sắc. Dù các món ăn được chế biến theo cách nào đi nữa thì đồng bào cũng không có quy định cụ thể, ví dụ như tỷ lệ chi tiết về nguyên liệu hay thời gian chế biến các món ăn. Việc chế biến món ăn chỉ dựa vào kinh nghiệm, phong tục truyền thống hay sự chỉ dạy trực tiếp từ những người lớn tuổi trong gia đình. Món ăn ngon và hấp dẫn là nhờ vào gia vị tự nhiên từ các loại cây rừng mà người dân tận dụng để tẩm ướp trong món ăn. Nhờ có sự kết hợp tinh tế và hài hòa các loại gia vị, cùng nguồn nguyên liệu sạch, độc đáo nên các món ăn trong văn hóa ẩm thực của đồng bào các DTTS có dư vị riêng, đậm đà và để lại ấn tượng sâu đậm đối với thực khách.

Phát triển du lịch từ ẩm thực đồng bào

Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, lãnh đạo các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa bản địa để làm du lịch. Đồng thời, ra những nghị quyết lãnh đạo để các bản làng luôn có ý thức coi trọng văn hóa truyền thống, không được pha tạp, lai căng văn hóa ngoại lai khác. Trong đó, văn hóa ẩm thực luôn được chú trọng, bởi lẽ, khi đến tham quan các địa điểm du lịch, du khách trong và ngoài nước luôn có nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức những món ăn do chính đồng bào chế biến. Đồng thời, du khách cũng mong muốn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực trong sự tổng hòa các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Vì thế, không gian ẩm thực luôn gắn liền và hòa điệu cùng các nét văn hóa khác như văn hóa nhà sàn, hát then, múa khèn, múa xòe, múa sạp, cồng chiêng, hát đối hát lý...

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực truyền thống tại các vùng du lịch cộng đồng còn gắn liền với việc tổ chức lễ hội theo mùa trong năm. Đây là hoạt động quan trọng để đạt được nhiều mục đích như vừa làm tốt công tác bảo tồn, vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương đối với du khách. Tại các lễ hội, du khách được trải nghiệm các văn hóa ẩm thực, được thưởng thức các món ăn, các loại hoa quả do cư dân bản địa chế biến. Vì vậy, đây là dịp để các địa phương quảng bá với du khách trong và ngoài nước những giá trị văn hóa được bảo tồn từ bao đời nay.

Có thể nói, các món ăn đặc trưng đồng bào các DTTS, miền núi đều mang nét văn hóa riêng, được hình thành từ phong tục, tập quán, sinh hoạt, lao động mà tạo nên. Để rồi, từ các món ăn sử dụng trong đời sống hàng ngày đã và đang dần hình thành các sản phẩm đặc trưng đại diện cho mỗi địa phương, vùng miền, trở thành các sản phẩm OCOP, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc trưng trong ẩm thực của mỗi dân tộc, tăng thêm thu nhập cho đồng bào, đồng thời góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển du lịch cộng đồng của các địa phương.

Tiêu Dao

Nguồn: Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 12/6/2024

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT