Tin tức - Sự kiện

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Cập nhật: 16/07/2022 18:08:15
Số lần đọc: 595
(TITC) - Chiều ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt đồng chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Du lịch, Tổng cục Tổng cục Thể thao, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ, lãnh đạo UBND 23 tỉnh, thành và các Sở quản lý du lịch địa phương.

Nhìn “từ sớm, từ xa” từng nhiệm vụ

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự vượt khó của ngành đã tạo ra được bức tranh tươi sáng về ngành VHTTDL.

Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày báo cáo sơ kết tại Hội nghị

Báo cáo sơ kết 6 tháng trong lĩnh vực VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày nêu rõ, các lĩnh vực công tác đã được tập thể lãnh đạo Bộ chỉ đạo “từ sớm, từ xa”, trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch đề ra.

Bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành VHTTDL tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo chủ đề công tác năm 2022 của Ngành: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.

Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch dần sôi động trở lại, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư, công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 được thực hiện chu đáo, an toàn, thành công. Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, dẫn đầu các nước đoạt huy chương vàng và tổng các loại huy chương.

Hoạt động du lịch nội địa đã sôi động trở lại trên phạm vi cả nước, hoạt động du lịch quốc tế đã khởi sắc, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng, du lịch ra nước ngoài đã bắt đầu được kết nối trở lại. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 413.400 lượt khách, khách du lịch nội địa đạt 60,8 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt 265 nghìn tỷ đồng.

Về thể chế, Bộ chủ động tham mưu Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia ý kiến dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).

Điểm sáng từ triển khai chủ đề công tác năm

Khẳng định những kết quả tích cực trong thực hiện chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, sau lễ phát động tại Nghệ An, các tỉnh, thành phố đã khẩn trương ban hành Kế hoạch, văn bản tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện chủ đề công tác năm  đến cáccơ quan chuyên môn; chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa vàThể thao tổ chức phổ biến, triển khai chủ đề công tác đến cán bộ, công chức toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng với đó, nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt khởi động tổ chức các chương trình nghệ thuật, sự kiện văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương tham luận tại Hội nghị

Những tháng đầu năm cũng ghi dấu ấn sự vào cuộc tích cực của các địa phương. Bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau lễ phát động, tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong đó tập trung cho công tác truyền thông, tích cực xây dựng mô hình điển hình. Ngành cũng đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết hỗ trợ 30 triệu đồng các CLB bảo tồn di sản văn hóa khi thành lập; hỗ trợ 100 triệu mỗi xã cho hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, phát thành và truyền thanh. Đây được xem là bước đột phá trong thời gian qua.

Hoạt động du lịch khởi sắc

Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, sau 2 năm gần như đóng băng hoàn toàn do COVID-19, du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 413 nghìn lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Đa số khách từ các quốc gia được miễn thị thực (Hàn Quốc, Anh, Pháp, Đức, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia), khách sử dụng thị thực điện tử (Mỹ, Úc, Ấn Độ).

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tham luận tại Hội nghị

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế do một số nước vẫn đang áp dụng các chính sách phòng chống dịch chặt chẽ. Trung Quốc thực hiện chính sách “không COVID-19”, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Hàn Quốc, Nhật Bản còn thận trọng trong việc mở cửa đi lại, du lịch. Xung đột Nga - Ucraina và những hệ lụy dẫn đến sự sụt giảm lượng khách Nga và ảnh hưởng tiêu cực đối với các khách du lịch ra nước ngoài của châu Âu. Mặt khác, thời điểm này chưa phải là mùa cao điểm đón khách quốc tế, hơn nữa du khách quốc tế thường cần thời gian từ vài tháng đến 1 năm để lên kế hoạch trước chuyến đi du lịch.

Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN; chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng: Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.

Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hãng hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam, cụ thể: (1) tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Úc và New Zeland; (2) tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch JATA (tại Nhật Bản vào tháng 9) và Hội chợ WTM (tại London vào tháng 11); (3) phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho các đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; (4) phát huy vai trò Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi COVID-19, (5) đẩy mạnh hoạt động e-marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.

Thời gian qua, hoạt động du lịch tại các địa phương cũng rất sôi nổi. Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, năm 2022, Quảng Nam vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, đã truyền tải thông điệp du lịch an toàn, thân thiện, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế, phát triển theo hướng hài hòa và bền vững với 6 nhóm chủ đề gồm 64 hoạt động trong cả năm 2022. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã đón được 2,5 triệu lượt khách.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết để phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới, Thành phố đã ban hành các chủ trương, chương trình, kế hoạch tạo tiền đề phục hồi, phát triển du lịch như Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh chào đón bạn - Welcome to Ho Chi Minh City", chương trình thu hút khách MICE cũng như nâng cấp, phát triển sản phẩm mới, đẩy mạnh thông tin, xúc tiến quảng bá trên các nền tảng trong hệ sinh thái thông tin du lịch của Thành phố đến các nhân vật có sức hút lớn trong cộng đồng mạng. Đồng thời khởi động lại hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch song phương, đa phương với các tỉnh, thành và các vùng miền trong cả nước.

Tổ chức thành công SEA Games 31 và các sự kiện sắp tới

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, dù diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song với nỗ lực tổng hợp và sự phối hợp đồng bộ, chúng ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 trên tinh thần triệt để tiết kiệm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm song vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn tham luận tại Hội nghị

Quảng Ninh đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 dự kiến diễn ra tháng 11/2022. Theo Giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hà, tỉnh đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các vụ chuyên môn của Tổng cục TDTT rà soát các công trình, trang thiết bị để đáp ứng việc tổ chức Đại hội. Đồng thời, tỉnh đã bố trí kinh phí, huy động nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng đó là chuẩn bị cơ sở vật chất với 360 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 900 nhà nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu các đoàn khi về tỉnh dự Đại hội.

Chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của phát triển

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kết luận Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các địa phương, toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu kết luận Hội nghị

Thành công bước đầu rõ nét là đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá, bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. 4 bộ luật trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì, 2 bộ luật do Bộ phối hợp đã được Quốc hội thông qua, có bộ luật đã cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp tới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để ngành thực thi công việc của mình bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo nguồn lực cho sự phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm cũng là quãng thời gian mà Bộ huy động các nguồn lực, rà soát lại, tập trung chấn chỉnh đội ngũ cán bộ để từ đó vận hành tốt "cỗ xe tam mã", trong đó văn hóa giữ dây cương, là trung tâm. Ngành đã tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền, các địa phương nâng cao một bước nhận thức về văn hoá, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, từ đó để có sự đầu tư thỏa đáng hơn cho văn hoá.

Theo Bộ trưởng, chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của phát triển, là chiều sâu, là nơi tỏa sáng các giá trị văn hóa. Sau khi Bộ VHTTDL triển khai chủ đề năm công tác của Bộ tại Nghệ An, sức lan tỏa từ chủ đề năm không chỉ dừng lại ở cấp Bộ mà đã đi đến các địa phương, từ đô thị lớn đến vùng sâu, vùng xa.

Một điểm nhấn quan trọng nữa của ngành đó là việc tổ chức SEA Games 31 thành công, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Nhân dân đánh giá cao. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện thể thao mà còn là hoạt động đối ngoại, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế – một điểm đến an toàn, tạo hiệu ứng cho ngành du lịch thực hiện nhiệm vụ của ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó, du lịch cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó du khách nội địa đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 chỉ trong 6 tháng, lượng khách quốc tế đang tăng trở lại, đóng góp vào GDP chung của cả nước, cùng Chính phủ và Nhân dân cả nước phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, các hoạt động đã được phê duyệt cần rà soát, xem xét các đầu việc đã làm được bao nhiêu, còn bao nhiêu cần quyết tâm thực hiện. Đầu tiên là hướng vào xây dựng thể chế. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Bộ trưởng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị thuộc Bộ có thành tích xuất sắc

Một vấn đề về thể chế nữa mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là quy hoạch về điểm đến và khu du lịch. Theo Bộ trưởng, dù du lịch bùng nổ trở lại nhưng về lâu dài thì cần phải dựa trên Quy hoạch này mới thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm.

Bộ trưởng yêu cầu, lĩnh vực thể dục thể thao thời gian tới phải tập trung cho nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Từ đó để xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao.

Bộ trưởng cũng đánh giá cao các điểm sáng về du lịch của các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa… và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ đồng hành, hỗ trợ để có thêm các điểm đến an toàn, có thêm sản phẩm mới về du lịch.

Về môi trường văn hóa cơ sở, thời gian tới phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật, làm sao để có nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều chương trình lưu diễn hay phục vụ khán giả.

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT