Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch Đắk Lắk thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 07/07/2020 09:30:54
Số lần đọc: 751
Ngày 3/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị khoa học xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.


Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđoh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh H’Yim Kđoh cho biết, Đắk Lắk có vị trí thuận lợi là trung tâm của vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngoài ra, sân bay Buôn Ma Thuột là cảng hàng không lớn, là đầu mối giao thông quan trọng nối Đắk Lắk với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ và trong tương lai sẽ kết nối với thị trường du lịch quốc tế.

Đắk Lắk còn có nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc Tây Nguyên như văn hóa cộng đồng, văn hóa cồng chiêng, ẩm thực, sử thi, luật tục, kiến trúc nhà dài, chế độ mẫu hệ...

Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong những tiềm năng, lợi thế về du lịch, Đắk Lắk còn có hệ thống thác nước hùng vĩ, nguyên sơ, cùng các khu rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú và các mặt hàng nông sản chủ lực như càphê, cacao, mắc ca, hồ tiêu, điều, bơ, sầu riêng, mật ong...

Về hạ tầng cơ sở du lịch, tỉnh Đắk Lắk hiện có 212 cơ sở lưu trú du lịch, gồm 82 khách sạn (1-5 sao) và 130 nhà khách, nhà nghỉ với hơn 4.550 người, có thể phục vụ hơn 9.000 lượt khách lưu trú vào cùng một thời điểm; 27 khu, điểm tham quan du lịch; 10 cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và 99 hướng dẫn viên đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Bà H’Yim Kđoh nhấn mạnh, tỉnh Đắk Lắk có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, du lịch Đắk Lắk phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, tốc độ phát triển còn chậm, sản phẩm du lịch chậm đổi mới, việc kêu gọi, thu hút đầu tư chưa cao.

Hội nghị khoa học xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước góp ý vào các nội dung của dự thảo, đề xuất giải pháp khả thi để phát triển du lịch Đắk Lắk trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.

Tại hội nghị, đại biểu đánh giá cao tầm quan trọng, sự cần thiết của Đề án, đồng thời góp nhiều ý kiến quan trọng về bố cục, nội dung để hoàn thiện Đề án.

Theo các đại biểu, trong Đề án cần làm rõ mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn và xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là của hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và chính quyền cấp huyện. Đề án phải đề ra giải pháp trọng điểm phát triển du lịch để ưu tiên đầu tư, tránh dàn trải.

Đại biểu cũng đã thảo luận về một số vấn đề của ngành du lịch Đắk Lắk hiện nay như: Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hoàn thiện hạ tầng cơ sở du lịch, xây dựng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch...

Theo tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội vùng Tây Nguyên, du lịch Đắk Lắk có 3 tiềm năng lớn: danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và văn hóa truyền thống. Tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác hết, lợi thế du lịch của tỉnh chỉ đang ở lợi thế so sánh chứ chưa trở thành lợi thế cạnh tranh.

Do đó, việc xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là rất quan trọng, cần thiết. Để khai thác lợi thế du lịch, tỉnh cần xây dựng ma trận của các khu du lịch, điểm du lịch trọng điểm, quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Đức Niêm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, trong xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh, cần có những kịch bản ứng phó với dịch COVID-19 để có mục tiêu, dự án đầu tư, giải pháp phù hợp với từng kịch bản. Tỉnh cần tạo ra môi trường thuận lợi để nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Ngoài ra, để phát triển du lịch bền vững cần bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

Dự thảo Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 có 3 nội dung chính, gồm: Sự cần thiết xây dựng đề án, cơ sở xây dựng đề án và đánh giá thực trạng phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020; Mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp... để hoàn chỉnh dự thảo, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua đề án./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục