Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch ''xanh'' từ tài nguyên văn hóa: Biến nguồn lực thành động lực

Cập nhật: 03/06/2022 05:07:42
Số lần đọc: 666
Là quốc gia có bề dày lịch sử, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng đa dạng, đặc sắc. Hiểu một cách đơn giản, tài nguyên văn hóa bao gồm hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ, kiến trúc cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người dân và được các thế hệ trao truyền, kế thừa, gìn giữ. Với trữ lượng dồi dào, nguồn tài nguyên văn hóa chính là nguồn lực và là động lực khai thác, phát triển kinh tế du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” và bền vững.  


Nguồn tài nguyên văn hóa chính là nguồn lực và động lực để khai thác, phát triển kinh tế du lịch theo hướng tăng trưởng “xanh” và bền vững. Ảnh: Đàm Duy

Khi du lịch gắn kết với văn hóa

Việt Nam hiện có 28 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO ghi danh, hơn 40 nghìn di tích được kiểm kê cùng gần 63 nghìn di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Với hệ thống di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh được phân bố trải đều trên khắp nước, đây là nguồn lực để các địa phương xây dựng những điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch.

Di sản văn hóa thế giới Phố cổ Hội An (Quảng Nam) luôn được coi là hình mẫu điển hình trong việc phát triển du lịch từ tài nguyên văn hóa. Sau hơn 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội An luôn là điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước, được Tổ chức World Travel Awards tôn vinh là “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2019. Giai đoạn trước dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đến Hội An thường xuyên ở mức 15 - 20%/năm, một con số đáng mơ ước với nhiều địa phương.

Có được thành quả ấy là bởi chính quyền thành phố Hội An luôn quan tâm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, kiến trúc phố cổ với nhu cầu sinh hoạt của người dân. Hội An cũng là địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường du lịch, đặc biệt là mô hình “Nói không với túi nilon”. Đây là “điểm cộng” đối với thị trường khách du lịch cao cấp, giúp du lịch Hội An ngày càng khẳng định vị thế.

Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới năm 2014, những năm qua, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sinh kế bền vững cho người dân mà còn góp phần tích cực trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Đưa hoạt động biểu diễn nghệ thuật hát xẩm, múa rối nước vào phục vụ khách tại các điểm, tuyến tham quan; tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực; đẩy mạnh phát triển hình thức du lịch làng nghề nhằm tạo lợi thế để thu hút du khách. Sau nhiều năm, Quần thể danh thắng Tràng An đã “lột xác”, từ một vùng đầm lầy trở thành điểm đến nổi tiếng với những giá trị độc đáo, khác biệt về thiên nhiên và văn hóa.

Gần đây, Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng được biết đến như là một điểm du lịch sinh thái - du lịch văn hóa phát triển khá “nóng”. Bên cạnh tài nguyên nhân văn là hệ thống di tích đình, chùa, lễ hội truyền thống, Quần thể Hương Sơn còn sở hữu tài nguyên sinh thái phong phú gồm hệ thống núi non, hang động, rừng đặc dụng...

Những năm gần đây, nhiều hộ gia đình sống trong khu vực Hương Sơn đã phát triển mô hình du lịch nhà vườn kết hợp với du lịch sinh thái để thu hút du khách. Sau khi tham quan, chiêm bái tại các điểm di tích, du khách được thưởng thức đặc sản địa phương, tham gia các hoạt động câu cá, bơi thuyền, leo núi, khám phá hang động, tìm hiểu phong tục tập quán văn hóa của cư dân bản địa. Nhờ đa dạng hóa sản phẩm du lịch nên nơi đây đã xóa được tình trạng du lịch mùa vụ. Thay vào đó, lượng khách đã tới Hương Sơn vào các thời điểm trong năm. Theo thống kê, doanh thu từ các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tại đây hiện chiếm tỷ trọng 34,8% trong cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Đức.

Từ những ví dụ trên có thể thấy, nếu biết cách gắn kết loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, các địa phương có thể biến tài nguyên du lịch trở thành nguồn tài chính mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương và cải thiện sinh kế cho người dân. Cũng từ đây, những mô hình du lịch “xanh” gắn với tài nguyên văn hóa sẽ tạo thành mối quan hệ tương hỗ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ngày một tốt hơn.

Quần thể danh thắng Tràng An - một trong những điểm du lịch "xanh" gắn với bảo tồn di sản văn hóa điển hình.

Thích ứng với tăng trưởng “xanh”

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành Du lịch trong nước rơi vào trạng thái “tê liệt”. Theo các chuyên gia, phải mất vài năm mới có thể lấy lại đà tăng trưởng như năm 2019. Bên cạnh đó là sự thay đổi về xu hướng của khách du lịch khi ngày càng nhiều người muốn tìm về những nơi có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, ít bị ô nhiễm và có những trải nghiệm văn hóa mang tính bản địa rõ nét. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, điểm đến phải thay đổi từ tư duy truyền thống sang tư duy “xanh” để kịp thời thích ứng và đưa ra chiến lược kinh doanh, quảng bá, xây dựng sản phẩm theo hướng bền vững, hướng tới cộng đồng; chú trọng bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường điểm đến; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu khí thải carbon nhằm hướng tới nền “kinh tế xanh” - “nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và công bằng” (theo Liên minh Châu Âu).

Hội An là một trong những địa phương tiên phong nắm bắt xu hướng này. Ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Hội An chia sẻ: “Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực đề xuất xây dựng và ban hành “Bộ tiêu chí Du lịch Xanh” làm căn cứ công nhận các sản phẩm du lịch “xanh”. Trong năm 2022, Hội An chọn xây dựng thí điểm các tour, khách sạn, khu du lịch và các dịch vụ, hàng hóa có nhãn sinh thái, thân thiện với môi trường; tiếp cận công nghệ sạch của các nước có nền du lịch phát triển để vận dụng ở Hội An; áp dụng công nghệ 4.0 vào việc quản lý, phát triển du lịch “xanh”, trong đó chú ý đến quản lý sức chứa của các điểm, khu du lịch; lựa chọn các nguồn khách có chất lượng và khả năng thanh toán cao để giảm quá tải, ô nhiễm cho những vùng nhất định...”.

Nhận định về mối quan hệ mật thiết giữa tài nguyên văn hóa và phát triển du lịch theo hướng “xanh” và bền vững, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Nghiên cứu văn hóa (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Phát triển du lịch dựa trên tài nguyên di sản văn hóa không chỉ mang lại những nguồn lợi to lớn về kinh tế - xã hội mà còn là công cụ hữu hiệu để khôi phục, bảo tồn và phát huy bền vững những giá trị di sản văn hóa đang bị mai một. Du lịch có vai trò quan trọng trong quảng bá, giới thiệu di sản cho du khách, là động lực để các chủ thể văn hóa giữ gìn, củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu như sự đa dạng, độc đáo, nguyên sơ, tính sáng tạo của tài nguyên văn hóa đóng vai trò nền tảng thì du lịch là một trong những phương thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần tạo nguồn thu để tôn tạo, bảo vệ di sản cũng như gắn văn hóa với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội...”.

Để thích ứng với tư duy tăng trưởng kinh tế “xanh” gắn với phát triển du lịch và tài nguyên văn hóa, bên cạnh các tiêu chí “xanh” trong hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, môi trường di tích, môi trường điểm đến... còn cần áp dụng chuyển đổi công nghệ số trong hoạt động du lịch. Các điểm đến cần tăng cường đẩy mạnh quảng bá thông tin trên không gian số, các trang mạng xã hội, ứng dụng công nghệ hiện đại như: Tương tác thực tế ảo (AR), công nghệ kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn (NFC), hệ sinh thái công nghệ ICT...

Từ các nền tảng này, các sản phẩm du lịch được nhà quản lý đưa đến khách hàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và thu hút lượng lớn người dùng cùng một lúc. Bên cạnh đó, du khách có thể dễ dàng tiếp cận điểm đến, các gói dịch vụ sẵn có, các hoạt động du lịch và các dịch vụ bổ trợ; qua đó tiết kiệm được chi phí đi lại, chi phí tiêu hao năng lượng. Ngoài ra, việc số hóa cũng tạo ra một kho dữ liệu giúp các điểm đến và doanh nghiệp du lịch có thể lưu trữ lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ cảnh quan, di tích, văn hóa lễ hội..., từ đó sử dụng hợp lý tài nguyên văn hóa, phục vụ phát triển du lịch tăng trưởng “xanh” mà không phụ thuộc quá nhiều vào thực tế.

“Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời, tạo việc làm, cải thiện sinh kế và mang lại hạnh phúc cho người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế “xanh” và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển du lịch


Bài và ảnh: Linh Tâm

Nguồn: Báo Hà Nội mới - hanoimoi.com.vn - Đăng ngày 02/6/2022

Cùng chuyên mục