Tin tức - Sự kiện

Quan tâm đầu tư hồ Mang Mang ở Thanh Hóa thành điểm du lịch hấp dẫn

Cập nhật: 21/04/2020 09:57:09
Số lần đọc: 1298
  Hồ Mang Mang nằm trên địa bàn xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc). Khung cảnh nơi đây non nước hữu tình, không gian yên tĩnh, mát lành, có đầy đủ các yếu tố để khơi dậy, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trong tương lai.


Hồ Mang Mang ẩn chứa vẻ đẹp nguyên sơ chưa được khai phá.

Từ trung tâm huyện Vĩnh Lộc đi đến hồ Mang Mang chừng 4 km. Không khó để có thể tìm thấy bởi hồ Mang Mang nằm ngay trên đường đi nối liền với xã lân cận Vĩnh Hưng. Xung quanh hồ nhìn ra bốn hướng phần lớn là nước và núi, chỉ một phần giáp với khu dân cư.

Trước kia, toàn bộ khu vực này là đồng cỏ rộng mênh mông. Giữa hai dãy núi Vần và núi Pheo là tên người dân địa phương thường gọi, có một khe nước cứ âm ỉ chảy xuống. Vào mỗi mùa mưa, nước trong khe lại chảy xuống tràn trề, lấp hết ruộng đồng, cỏ cây. Thấy địa thế có thể trữ nước và đáp ứng nhu cầu đường dân sinh, nên năm 1977, huyện Vĩnh Lộc đã cho đắp đập chắn nước bằng đất dài khoảng 700m, tạo thành hồ Mang Mang, đập này cũng được gọi là đập Mang Mang. Hơn 10 năm trở lại đây, đập Mang Mang được bê tông để tạo thành đường giao thông đi lại cho bà con trong vùng.

Hiện nay, hồ Mang Mang có tổng diện tích 60 ha, trong đó diện tích mặt nước 37,5 ha. Hồ có độ sâu trung bình 5m, chỗ sâu nhất có thể lên tới 10m. Hồ cao 12m, từ mặt nước tới bờ đập cao 7m. Toàn bộ dung tích nước trữ trong hồ được dùng để tưới cho hơn 100 ha ruộng lúa, hoa màu của bà con nhân dân ở phía bên kia đập là thôn Tân Phúc, xã Vĩnh Phúc. Đặc biệt, nước ở đây trong mát và chưa bao giờ vơi cạn. Hồ có 1 đập tràn, 1 đập chính và 2 cống dẫn, rất đảm bảo điều tiết nước khi cần tiêu thoát.

Bên cạnh chức năng là hồ thủy lợi, hồ Mang Mang còn có nhiều lợi thế có thể phát triển du lịch sinh thái. Đứng trên đập nhìn ra xung quanh hồ là núi đồi thoai thoải, với những dải đất mịn, phẳng, rất thích hợp cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort... Bên cạnh đó là khu vực trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả của người dân là nơi cư trú của một số loài chim tự nhiên hiện được bảo tồn như: Bìm bịp, le le... Mặt hồ rộng, nước sạch, có nhiều loại cá. Ngay giữa hồ có một hòn đảo nổi là nơi cho cá ăn và sinh hoạt của các hộ dân trông coi hồ. Trên lòng hồ có thể xây các khu vui chơi, giải trí, tổ chức các cuộc thi đua thuyền, các trò chơi dưới nước... Vào mùa hè, hồ Mang Mang đem theo từng cơn gió lồng lộng, nước sóng sánh vỗ vào con đập nghe mênh mang như khúc hát tự tình của đồng quê dội vào lòng người. Một không gian thoáng đãng tràn ngập, hòa vào trời xanh, cây xanh, làn nước cũng trong xanh, khiến cho ai đến đây tâm hồn cũng trở nên thư thái vô cùng.

Ông Trương Văn Thạo, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, cho biết: Năm 2015, UBND xã đã cho một doanh nghiệp nhận thầu với thời gian 5 năm để khai thác cá dưới lòng hồ. Đến nay, đã hết thời gian nhận thầu, hiện hồ Mang Mang đang được UBND xã quản lý. Vĩnh Phúc là xã thuần nông, nên kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính. Với lợi thế của hồ Mang Mang, xã rất mong muốn các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư để phát triển dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân. Địa phương cũng sẽ tạo điều kiện tối đa về hành lang pháp lý, ưu tiên thuận lợi trong thủ tục hành chính để các nhà đầu tư có môi trường làm việc tốt nhất.

Ông Trịnh Văn Quy, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Lộc khẳng định: Với bề dày của một vùng đất giàu tài nguyên văn hóa, lịch sử, với gần 70 di tích đã được xếp hạng từ di tích cấp tỉnh đến thế giới, huyện Vĩnh Lộc có đầy đủ tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Huyện Vĩnh Lộc phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030. Hiện nay, huyện đang phát huy lợi thế của các khu, điểm du lịch nổi tiếng như là: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Danh thắng quốc gia núi Kim Sơn, Khu Di tích lịch sử Phủ Trịnh. Nắm bắt được xu hướng khách du lịch rất thích có những nơi nghỉ dưỡng cao cấp, có môi trường sinh thái đảm bảo, huyện Vĩnh Lộc đã đưa vào khai thác các tour du lịch nội huyện là: Thành Nhà Hồ - Chùa Giáng - Phủ Trịnh - Kim Sơn; tour ngoại huyện là: Thành Nhà Hồ - Suối cá Cẩm Lương; và tour liên tỉnh là: Tràng An - Thành Nhà Hồ - Phủ Trịnh. Trong đó, hồ Mang Mang là một cái tên mới xuất hiện trên bản đồ du lịch của huyện, có thể đáp ứng được các nhu cầu của một khu du lịch, bởi tiềm năng sẵn có, xung quanh là đồi núi, rừng, ở giữa có đảo và hồ... Hiện nay, hồ Mang Mang đang còn ở dạng tự nhiên, chỉ thiếu bàn tay sắp đặt của con người. Nếu được đầu tư đưa vào khai thác, hồ Mang Mang cũng sẽ kết nối với các tour du lịch nội huyện, ngoại huyện Vĩnh Lộc, cũng như tour du lịch liên tỉnh.

Được biết, hồ Mang Mang được huyện Vĩnh Lộc đưa vào chương trình phát triển trong giai đoạn tới trở thành khu đô thị dịch vụ du lịch của huyện. Khu đô thị du lịch này sẽ nằm trong phạm vi, ranh giới lập điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng thị trấn Vĩnh Lộc đến năm 2030. Vì vậy, huyện rất cần kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác, để từng bước biến nơi đây trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng hấp dẫn trong tương lai gần./.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT