Non nước Việt Nam

Thêm cơ chế bảo tồn nhà vườn, nhà rường Huế

Cập nhật: 22/12/2022 14:34:02
Số lần đọc: 573
Sau hơn 5 năm triển khai đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” (2015-2020), đã có hơn 50 ngôi nhà vườn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn huy động. Đề án này không chỉ giúp giữ lại được giá trị văn hóa Huế mà còn giúp chủ nhân những ngôi nhà ấy phát triển việc kinh doanh, khai thác thêm tour, tuyến du lịch và tạo được doanh thu.

Không gian nhà vườn, nhà rường Huế là một trong những thương hiệu của vùng đất Cố đô.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hầu hết những nhà vườn được bảo tồn trong giai đoạn 2015-2020 tập trung vào các phường Thủy Biều, Kim Long, Vĩ Dạ, Phú Hiệp, Phường Đúc, Hương Long, Phú Cát (TP Huế) và làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền).

Những nhà vườn khi tham gia đề án đã tổ chức tốt việc khai thác, phát huy giá trị, tạo hiệu ứng phát triển mô hình bảo tồn nhà vườn kết hợp kinh doanh phát triển dịch vụ, du lịch, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi năm, mang lại doanh thu lớn. Các dịch vụ được triển khai tập trung như tham quan, lưu trú homestay, thưởng thức ẩm thực truyền thống Huế, chế biến một số món ăn dân dã, tour xe đạp khám phá cuộc sống các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng dân cư và nghề truyền thống Huế ngày càng được du khách ưa thích. Đáng chú ý, việc hỗ trợ trùng tu, tôn tạo và tạo kết nối các dịch vụ du lịch đã giúp cải thiện điều kiện sống của người dân trong vùng (chủ yếu ở khu vực làng cổ Phước Tích), là một bước lớn để các khu vực này trở nên khang trang, sạch sẽ và nề nếp hơn. Trong giai đoạn đầu, thông qua chính sách phần nào khẳng định về giá trị văn hóa, lịch sử của nhà vườn và đây là sản phẩm cần được bảo tồn và phát huy như một giá trị khác biệt của văn hóa Huế.

Tiếp nối đề án, mới đây HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” giai đoạn 2022-2026 nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân bảo tồn, phát huy giá trị nhà rường, nhà vườn của vùng đất Cố đô.

Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nối chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn, nhà rường cổ trên địa bàn, giai đoạn 2022-2026 khiến giới nghiên cứu văn hóa và chủ nhân của nhiều ngôi nhà vườn, nhà rường vui mừng. “Tôi cho rằng, đây là quyết sách quan trọng, hướng đến bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa Huế. Việc này đáng hoan nghênh”, một nhà nghiên cứu Huế chia sẻ.

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn, nhà rường Huế đặc trưng ở các phường trực thuộc TP Huế, làng cổ Phước Tích và bổ sung thêm đô thị cổ Bao Vinh vào đề án. Bên cạnh đó hỗ trợ tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà vườn, nhà rường để phục vụ lưu trú cũng như tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng thêm tour, tuyến du lịch. Về kinh phí hỗ trợ, theo quy định cụ thể, việc hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà vườn, nhà rường đặc trưng gồm nhà xếp loại 1 sẽ được hỗ trợ một tỷ đồng/nhà, loại 2 là 800 triệu đồng/nhà và loại 3 là 600 triệu đồng/nhà. Ngoài ra còn có hỗ trợ chi phí khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế trùng tu, nhiều nhất không quá 50 triệu đồng/nhà.

Theo TS, KTS Nguyễn Ngọc Tùng (Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế), nhiều năm trở lại đây, “thương hiệu” nhà rường và nhà vườn truyền thống Huế đang dần lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, số lượng những ngôi nhà vườn, nhà rường truyền thống đang có nguy cơ giảm và thay vào đó bằng những công trình hiện đại. Nhiều doanh nghiệp dịch vụ đang có xu hướng trong việc lắp ghép nhà rường, nhà vườn truyền thống đi kèm với các trang thiết bị hiện đại phục vụ cho quán cà-phê, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nhưng cũng không ít những công trình có giá trị bị hạ giải, phá hủy vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo ông Tùng, cần có một đề án khảo sát, thống kê toàn bộ các ngôi nhà rường, nhà vườn đang hiện hữu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Khảo sát này giúp tạo ra bộ cơ sở dữ liệu và phân loại theo hình thức kiến trúc, theo niên đại, hoặc theo giá trị văn hóa. Điều này tốt cho việc định hướng các giải pháp bảo tồn cụ thể đối với từng loại. Bên cạnh đó, cần có cơ chế lưu trữ, bảo quản cơ sở dữ liệu để có thể sử dụng hiệu quả cho các hoạt động liên quan sau này.

Bài và ảnh: Minh An

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 20/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT