Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống vùng Tây Nguyên

Cập nhật: 20/12/2022 11:01:11
Số lần đọc: 645
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nền văn hóa đa dạng nhưng thống nhất. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc trên khắp vùng miền sẽ tạo được nền văn hóa ngày càng phong phú, củng cố sự thống nhất, đoàn kết dân tộc. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, do đó, sự giao lưu, tiếp biến, biến đổi văn hóa tộc người trên mảnh đất này cũng diễn ra hết sức đa dạng, phức tạp. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên là nhiệm vụ cần thiết.

Tây Nguyên có nhiều nguồn lực hỗ trợ phát huy giá trị văn hoá

Trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng; cộng đồng đóng vai trò thực hiện; nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông có đóng góp trong việc đánh giá giá trị văn hóa truyền thống, phổ biến, khẳng định những giá trị này đến với công chúng.

Những hoạt động trải nghiệm cùng người dân chăm sóc các loại cây trồng đặc trưng vùng Tây Nguyên như cà phê, cao su, tiêu

Theo TS. Trương Thị Hiền - trường Đại học Tây Nguyên cho biết: "Ở Tây Nguyên vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số thể hiện rất rõ. Năm 2002, Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trước nguy cơ mai một của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nhà nước thể hiện rõ vai trò chủ đạo trong việc phục hồi các xưởng chế tạo cồng chiêng, góp phần bổ sung một lượng nhạc cụ gõ cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, và là một cách tích cực để đẩy mạnh phong trào diễn xướng sử dụng cồng chiêng trong các dân tộc.

Ngoài ra, chính quyền địa phương các cấp đã có những thay đổi trong nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người. Năm 2016, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các chính sách nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng với Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND về bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Nghị quyết này, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã cấp 26 bộ chiêng các loại, mở 124 lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho các đội chiêng trẻ; phục dựng 5 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Đồng thời, chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên chú trọng ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển du lịch văn hóa bản làng, du lịch sinh thái, đưa việc giữ gìn và phát triển bền vững văn hóa Tây Nguyên vào cuộc sống đang được xem là giải pháp mang tính đột phá để phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Không chỉ có vai trò của Nhà nước trong bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên mà còn có vai trò của cộng đồng, TS. Trương Thị Hiền chia sẻ: "Vai trò của cộng đồng được thể hiện rõ trong việc cùng nhau tạo dựng một môi trường sống mà ở đó du khách được đắm mình, trải nghiệm với những sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, như là tham dự lễ cúng cơm mới, lễ cúng bến nước, xem diễn tấu cồng chiêng, uống rượu cần...

Những hoạt động trải nghiệm cùng người dân chăm sóc các loại cây trồng đặc trưng vùng Tây Nguyên như cà phê, cao su, tiêu,… luôn là những hoạt động hấp dẫn du khách và được xem là phù hợp để cộng đồng được phát huy vai trò của mình trong bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Điển hình như, ở Lâm Đồng, tại các buôn làng quanh chân núi Lang Biang, du khách có thể thưởng thức các chương trình giao lưu, đốt lửa trại, âm nhạc cồng chiêng, uống rượu cần, ăn thức ăn do người dân tộc Lạch và Chil tự tay chuẩn bị".

Bên cạnh đó, những năm gần đây, trường Đại học Tây Nguyên đã có những hoạt động phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên người dân tộc thiểu số. Trường cũng đã được cấp hỗ trợ 01 bộ cồng chiêng với 10 bộ trang phục biểu diễn. Rất nhiều lần, đội cồng chiêng phục vụ biểu diễn trong các hoạt động văn hóa trong và ngoài trường, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo dựng nét văn hóa riêng cho Nhà trường. Trường Đại học Tây Nguyên cũng đang thể hiện vai trò của đơn vị nghiên cứu trong quá trình thực thi các chính sách bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống với việc thực hiện các đề tài nghiên cứu với mong muốn các kết luận khoa học, các đề xuất giải pháp là cơ sở khoa học cho các nhà quản lí, thực thi chính sách.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vẫn còn hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được và có nhiều nguồn lực hỗ trợ nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Tây Nguyên cũng còn nhiều bất cập, hạn chế.

Ngày nay, ở Tây Nguyên có sự biến đổi nền tảng xã hội của giá trị văn hóa tộc người, TS. Trương Thị Hiền cho biết: "Tại các vùng có nhiều người Kinh sinh sống, lối sống của người dân tộc thiểu số đã có những thay đổi dễ thấy như: ăn mặc, kiểu nhà ở, tập quán ăn uống, tập quán cưới hỏi... Sự biến đổi kinh tế - xã hội đã đưa đến những thay đổi đáng kể tới nghi thức văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ vùng Tây Nguyên. Ví dụ, việc đơn giản hóa các nghi thức hôn nhân bằng cách trả bằng tiền mặt hay vàng đã làm cho hôn nhân của người dân tộc thiểu số ở nhiều vùng trở thành cuộc trao đổi mua bán, và mặt khác cũng làm giảm đi nhiều vẻ đẹp truyền thống trong hôn nhân của họ.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang biến đổi khá sâu sắc thể hiện trong sự biến đổi về nghi thức hôn nhân, mô hình nơi cư trú, các quan hệ gia đình... dẫn tới việc duy trì và thực hành các chuẩn mực liên quan giá trị văn hóa truyền thống gặp khó khăn. Đồng thời, với quan điểm coi chế độ gia đình lớn là lạc hậu, không tạo điều kiện cho các gia đình nhỏ có được các tài sản riêng của mình, kích thích sản xuất, do vậy không phát huy được hết khả năng lao động của các thành viên trong gia đình, chương trình định canh định cư đã tách các gia đình lớn thành các gia đình nhỏ độc lập có nhà ở và đất canh tác riêng".

Ngoài ra, giá trị văn hóa truyền thống vùng Tây Nguyên không phải là bản sắc chung chung mà là bản sắc văn hóa của từng tộc người. Việc nhận diện và khái quát được bản sắc văn hóa tộc người luôn là vấn đề hết sức khó khăn, được thể hiện bằng những chỉ báo liên quan nền tảng giá trị tinh thần có khả năng khu biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác

Như bất kỳ nền văn hóa khác, văn hóa vùng Tây Nguyên cũng đã và đang trải qua quá trình biến đổi cả theo cách "cưỡng bức" và "tự nguyện". Nền tảng xã hội phù hợp cho sự vận hành nền văn hóa truyền thống của các tộc người Tây Nguyên trong xã hội đương đại đã không còn. Tín ngưỡng đa thần gắn liền với chuỗi nghi lễ nông nghiệp từ lễ cúng thần Đất, thần Núi... đến cầu mùa, mừng lúa mới, bỏ mả đều khó bảo tồn khi tập quán mưu sinh thay đổi cùng với phát triển của các tôn giáo mới. Luật tục của các cộng đồng dân tộc thiểu số đang có những biến đổi về nội dung, hiệu lực cũng như cơ chế điều chỉnh theo hướng thích nghi với luật pháp.

Bên cạnh đó, mặc dù trong các chương trình đào tạo chính khóa của một số ngành đào tạo đại học, trường Đại học Tây Nguyên đã thiết kế xây dựng một số học phần với mục tiêu góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống nhưng không ít sinh viên người dân tộc thiểu số thực sự chưa có những biểu hiện rõ ràng của niềm tự hào tộc người. Bằng chứng là sinh viên chia sẻ không biết viết tiếng mẹ đẻ, e ngại trong khi thuyết trình về đặc điểm văn hóa tộc người và còn rất ít sinh viên nhớ, sử dụng được những từ thuộc về văn hóa cổ truyền.

Vì vậy, vấn đề cấp thiết trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ở Tây Nguyên hiện nay là ở sự thấu hiểu, thái độ tôn trọng đặc trưng văn hóa để đi tới việc thay đổi những quan niệm không còn phù hợp với xã hội đương đại, hướng tới phát triển năng lực nội tại của cộng đồng người dân tộc thiểu số./.

Hồng Hà

Nguồn: Báo Tổ quốc - toquoc.vn - Ngày đăng 20/12/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT