Tin tức - Sự kiện

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số

Cập nhật: 28/04/2022 14:14:39
Số lần đọc: 657
(TITC) - Sáng ngày 27/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phiên họp (Ảnh: Báo Chính phủ)

Cùng tham dự phiên họp tại trụ sở Chính phủ có lãnh đạo các các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các đầu cầu trực tuyến tại trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì đầu cầu tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng dự có lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Nhân dân cũng rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động toàn dân.

Chính phủ vừa phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với 3 mục tiêu chính là: Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia; Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thủ tướng yêu cầu cần rà soát lại thể chế vì đây là 1 trong 3 đột phá; bổ sung, hoàn thiện thể chế phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số; phải huy động được nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân. Vấn đề đưa ra là phải quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng chỉ rõ, có Chính phủ số, chính quyền số mà không có công dân số thì không thành công. Trong quá trình này, cần kiểm tra, giám sát thường xuyên, tránh những tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Phải chọn trọng tâm, trọng điểm, chọn vấn đề ưu tiên, có sức lan toả, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, manh mún... Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận đi thẳng vào vấn đề, có trọng tâm, trọng điểm, đánh giá các nhiệm vụ được triển khai trong thời gian qua, những kết quả đạt được, những việc chưa làm được, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.

Toàn cảnh phiên họp tại trụ sở Chính phủ (Ảnh: Báo Chính phủ)

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực của Ủy ban, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét, 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 Quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia.

Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng, ước tính doanh thu kinh tế số trong quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hệ thống hóa đơn điện tử đã được triển khai toàn quốc, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Trong quý I/2022, cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý 77.732.636 hóa đơn điện tử.

Tốc độ truy cập mạng băng rộng quý I/2022 được cải thiện, cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022.

Lĩnh vực xã hội số phát triển với nhiều nền tảng số phục vụ đời sống người dân ngày càng phổ biến. Công tác nâng cao nhận thức số, xây dựng thể chế số, phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực đạt được các bước tiến rõ rệt.

Toàn cảnh phiêp họp tại đầu cầu Bộ VHTTDL (Ảnh: TITC)

Ghi nhận, biểu dương cố gắng của các bộ, ngành, địa phương và nhân dân triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đạt kết quả tích cực trong quý I/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch đã đề ra trên tinh thần thông suốt, thống nhất trong toàn hệ thống bộ máy. Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia cũng đã đề ra 12 nhiêm vụ trọng tâm thực hiện trong quý II/2022.

Thủ tướng lưu ý quan điểm chuyển đổi số cần phát triển có lộ trình, mục tiêu, bền vững, có trọng tâm trọng điểm, liên tục đổi mới, có tư duy đột phá, có tầm nhìn chiến lược, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nói đi đôi với làm, có sản phẩm cụ thể. Có sự khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin có hiệu quả. Hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, có kiểm tra, giám sát đi liền với biểu dương, nhân rộng điển hình, phê bình, khắc phục hạn chế.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì đầu cầu Bộ VHTTDL (Ảnh: TITC)

Trung tâm Thông tin du lịch

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT