Quảng Nam: Bảo tồn văn hóa ở Nam Giang
Vậy nên, với đồng bào nơi đây, gươl, moong là những thiết chế văn hóa hết sức quan trọng. Đến nay, toàn huyện Nam Giang có 54 gươl trong tổng số 63 thôn của 9 xã, thị trấn.
Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Nam Giang cho biết: “Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, từ năm 2004, huyện đã triển khai Đề án “Phát triển, củng cố các gươl, moong và nhà sinh hoạt cộng đồng”, được đồng bào trong huyện đồng tình hưởng ứng. Đặc biệt, ở các xã La Dêê, Zuôih và Chà Vàl, ngoài việc dựng gươl tại mỗi thôn, hiện nay xã cũng đã dựng xong gươl”. Từ những thành công ban đầu, việc khôi phục các gươl, moong ở Nam Giang sẽ được tiếp tục triển khai giai đoạn 2 đến năm 2012. “Rồi đây mỗi xã sẽ có một gươl chung làm nơi tập hợp nhân dân để tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời là nơi phổ biến các phương thức làm ăn, đưa khoa học kỹ thuật đến với người dân” - ông Sáu nói.
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Là địa bàn cư trú của 2 dân tộc chính là Cơ Tu và Giẻ Triêng, Nam Giang lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như múa cồng chiêng của người Cơ Tu, thổi đinh tút của người Giẻ Triêng cùng các làng nghề truyền thống như song mây, dệt thổ cẩm… Từ năm 2004, việc sưu tầm, phục dựng các giá trị văn hóa trên địa bàn huyện đã được triển khai rộng khắp và đạt được nhiều kết quả. Đến nay, các xã của huyện đã có đội cồng chiêng múa hát phục vụ nhân dân trong các dịp lễ tết. Đội cồng chiêng Công Dồn xã Zuôih, đội đinh tút của xã La Dêê, Cà Dy, Tà Bhing không chỉ biểu diễn tại địa phương mà còn tham gia những sự kiện văn hóa lớn của tỉnh như lễ hội Bà Thu Bồn, Tuần lễ văn hóa Quảng Nam tại Hà Nội, biểu diễn phục vụ du khách tại Khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng)… Cùng với việc phục hồi những giá trị văn hóa phi vật thể, nhiều làng nghề truyền thống như dệt Zơra (xã Tà Bhing), dệt Công Dồn (xã Zuôih) cũng đã hồi sinh và phát triển. Đặc biệt, dệt Zơra đã tham gia nhiều cuộc triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, đang từng bước tạo thương hiệu riêng. Làng nghề này đang là mô hình điểm trong việc kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để làm thay đổi cuộc sống người dân địa phương.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa không chỉ gìn giữ không gian văn hóa của đồng bào mà còn góp phần phát triển du lịch dịch vụ, tạo thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Sự thành công của các mô hình như dệt Zơra, phục dựng gươl và âm nhạc cồng chiêng tại mỗi thôn, xã của huyện Nam Giang đã đạt được kết quả nhất định.