Xuân về với người phụ nữ Mông
Người phụ nữ Mông cũng vậy. Cứ mỗi lần xuân về là một lần những nhọc nhằn lo toan vất vả lại dồn lên vai họ. Bởi họ có muôn vàn nỗi lo, nào là hái nắm rau, quả chuối địu đi chợ bán lấy tiền mua sắm dầu muối cho những ngày Tết; trên đường về lại tranh thủ kiếm bó củi rồi cũng buộc lên lưng địu về dự trữ để giữ ấm trong những ngày Tết. Tiếp đến là trèo núi xuống khe hái được nắm rau rừng, cắt những bó cỏ to tướng buộc lên lưng địu về. Chẳng thế mà nhiều người nói bò, ngựa vùng cao nguyên đá đều được nuôi trên lưng con người. Đấy là chưa kể việc địu đất lên núi lấp khe đá để trồng ngô, trồng đậu. Tập quán dân tộc lại còn những tục lệ khắt khe đổ lên đầu người phụ nữ Mông nữa. Ngày Tết về chuẩn bị mọi thứ dùng trong các ngày Tết lại phải chuẩn bị sao cho đủ dùng qua ngày Rằm tháng Giêng. Xay ngô, giã gạo, củi đóm đều phải chuẩn bị đủ dùng quá ngày rằm. Vì mọi đồ dùng trong nhà trước ngày 30 tết đều đã phải dọn về xếp trước bàn thờ dán giấy vàng, giấy bạc với ý niêm phong tất cả lại... để quá rằm mới được đem ra sử dụng bình thường.
Người phụ nữ Mông nhất là khi đã lấy chồng sinh con đẻ cái, nỗi vất vả lại tăng lên gấp bội. Con địu trước ngực, đồ địu trên lưng, nhóm bếp đun lửa nấu cơm con vẫn trên lưng mẹ. Cơm nấu chín bày ra ăn, con cũng vẫn địu trên lưng. Thậm chí nhiều khi mẹ bón cơm cho con, con vẫn địu trên lưng, mẹ phải bón cho con qua vai mẹ. Cuộc sống vất vả, nhưng nhiều chị em không may lấy phải người chồng rượu chè, nhiều khi còn bị ăn đòn vô cớ. Chính vì thế mà ngày xưa, người phụ nữ Mông thường tìm đến làm bạn với cây lá ngón để giải thoát khỏi cuộc sống vô bờ. Bên cạnh ấy còn chưa kể những yêu cầu đặt ra khắt khe cho người phụ nữ Mông. Nhà người Mông hầu hết ở xa nương, muốn để kịp đi làm thì gà gáy canh một đã phải dậy. Trong điều kiện không có điện, làm gì thì không được để có tiếng động kêu lớn ảnh hưởng đến giấc ngủ mọi người trong gia đình, nhất là những nhà có người già như ông bà, bố mẹ chồng...
Mỗi khi nhà có khách quý, muốn mổ gà, nhưng lại phải làm sao để không phát ra tiếng kêu, chỉ đến khi dọn mâm ra, khách mới biết gia chủ đã mổ gà. Làm được tất cả những điều đó mới được coi là người phụ nữ giá trị, quý hoá, hoàn hảo...
Nhờ có cách mạng, người phụ nữ được giải phóng, trong đó có người phụ nữ Mông. Tuy đó đây cũng nhiều chị em phụ nữ vất vả, nhưng dù sao so với trước thì đời người phụ nữ Mông cũng đổi đời lắm rồi. Đã có nhiều chị em phụ nữ Mông được học hành đến nơi đến chốn, làm cán bộ Nhà nước, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý của địa phương. Rất nhiều chị em đã dám vượt qua lề thói của dân tộc, khắc phục mọi khó khăn để theo đuổi ước mơ của mình đó là được học hành, có công ăn việc làm, giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngày nay nếu có dịp lên vùng cao, sẽ thấy những cô gái Mông điều khiển xe máy với những thồ hàng lớn trên những đoạn đường dốc, cua ngoằn nghèo, cheo leo. Cảnh còng lưng địu đồ, nắm bám đuôi ngựa chồng đã lui dần về quá khứ.
Mùa xuân về trên cao nguyên đá không còn gặp hình ảnh người phụ nữ Mông vừa cõng con, địu đồ đi khắp nơi như xưa kia nữa. Mỗi khi quyền lợi của chị em phụ nữ bị xâm phạm thì đã có chính quyền thôn bản xã đứng ra hỗ trợ, giải quyết chứ không phải đến làm bạn với cây lá ngón như xưa. Ngày này, người Mông đã xoá bỏ được quan niệm “học cũng ăn cơm, không học cũng ăn cơm” động viên con em hăng hái đến trường, đến lớp học lấy cái chữ của Đảng và Bác Hồ kính yêu để có kiến thức xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Một mùa xuân mới đang về trên khắp cao nguyên đá cũng là lúc một cuộc sống mới đang đến với phụ nữ các dân tộc vùng cao nói chung, những người phụ nữ Mông nói riêng - một cuộc sống tiến bộ, bình đẳng hơn. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản để mùa xuân trong mỗi gia đình trên cao nguyên đá hạnh phúc hơn, luôn rộn rã tiếng cười.