Hành trang lữ khách

Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An: Điểm du lịch tâm linh

Cập nhật: 30/01/2012 09:37:02
Số lần đọc: 4308
Lào Cai - vùng đất biên cương Tổ quốc, nơi có vùng du lịch Sa Pa và nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, cùng với di tích lịch sử văn hoá Quốc gia: Đền Thượng, Đền Đôi Cô, Đền Cấm… thì Đền Bảo Hà (Bảo Yên) và Đền Cô Tân An (Văn Bàn) luôn là địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn du khách.

Nằm cách thành phố Lào Cai 70km về phía Nam, Đền Bảo Hà tọa lạc dưới chân đồi Cấm, có cảnh quan thiên nhiên "trên bến dưới thuyền", soi bóng bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đền Bảo Hà được xây dựng vào cuối đời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng), thờ danh tướng Hoàng Bảy họ Nguyễn, có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ở cửa ải Lào Cai. Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng quan. Tại đây có đài hoả hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện phía dưới. Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn. Theo sử sách chép lại, cuối đời nhà Lê (1740 - 1786), các châu Thuỷ Vĩ, Văn Bàn và nhiều nơi khác thuộc phủ Quy Hoá luôn bị giặc tràn sang cướp phá. Trước tình hình đó, triều đình cử danh tướng họ Nguyễn đưa đội quân tiến dọc sông Thao đánh đuổi bọn giặc cỏ, giải phóng Khau Bàn và xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng Hoàng Bảy đã tổ chức các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ…, sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hoá (Yên Bái, Lào Cai ngày nay). Trong một trận đánh không cân sức với quân giặc, danh tướng Hoàng Bảy đã anh dũng hy sinh. Giặc bỏ xác ông xuống sông Hồng và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng vớt xác ông lên chôn cất và lập đền thờ. Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như: Minh Mệnh, Thiệu Trị đã tặng ông danh hiệu "Trấn an hiển liệt" và đền thờ ông được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là "Thần Vệ Quốc". Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… địa phương thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc vùng Tây Bắc, ngày giỗ chính vào 17/7 âm lịch và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng hằng năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đền Bảo Hà đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1997, sau nhiều lần được trùng tu, tôn tạo nay được hiện hữu uy linh gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, toà đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung công đồng với diện tích, bài trí các pho tượng khác nhau, kiến trúc đơn giản. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, quan Tuần Trang, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thuỷ Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn. Theo thuyết phong thủy, đền có tiền án, hậu trảm, tả phù hữu bật, vị thế rất đẹp.

 

Nằm đối diện với Đền Bảo Hà, qua sông Hồng bằng cây cầu bê tông vững chãi, phía bên hữu là Đền Cô Tân An, nơi đây thờ bà Nguyễn Hoàng Bà Xa, người có công cùng cha là "Thần vệ quốc Hoàng Bảy" đánh giặc, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Bà Nguyễn Hoàng Bà Xa luôn được coi là cánh tay đắc lực sát cánh cùng cha chiêu dụ các thổ ty, tộc trưởng, luyện tập binh sỹ, rèn giũa khí giới, dự trữ lương thảo, chữa bệnh cho dân lành… và sau khi vắng bóng quân giặc thì Bà lại có công lớn trong việc khẩn điền khai mỏ, xây dựng quê hương. Với lòng yêu nước, thương dân ấy, khi bà mất đi "Hương thơm còn lẫy lừng ánh hào quang sáng tỏ muôn nơi", để tưởng nhớ công lao của Bà, nhân dân trong vùng lập đền thờ tạc dạ ghi ơn. Theo truyền thống cứ ngày 17 tháng Giêng hằng năm là ngày giỗ Bà. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và biến động của thiên nhiên, hiện nay ngôi đền đã được xây dựng khang trang tại vị trí đúng nền đất linh thiêng xưa. Ngôi đền cũng đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

 

Ông Phạm Văn Chiến, Trưởng Ban Quản lý Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An cho biết: Sau nhiều năm với lòng hảo tâm của du khách, giờ đây Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An đã được tôn tạo khá khang trang, sạch đẹp. Du khách đã cung tiến nhiều hiện vật có giá trị mang lại sự uy linh của ngôi đền. Bên cạnh đó, Ban Quản lý đền cũng đã luôn cố gắng trong việc phục vụ nơi ăn nghỉ, cung cấp các dịch vụ, hàng hóa cúng lễ phục vụ du khách; nhờ đó, các năm đều hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách được giao. Hiện nay, được sự đầu tư của tỉnh, dự án cải tạo các hạng mục phụ trợ Đền Bảo Hà như: mở tuyến đường mới vào đền, xây dựng sân hành lễ, bãi đỗ xe, quy hoạch khu vực bán hàng dịch vụ, xây dựng hệ thống cống thoát nước, sân lễ hội, vườn hoa, cây xanh… đang được triển khai. Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần để ngôi đền được khang trang hơn, phục vụ và đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh của du khách tốt hơn.

 

Đền Bảo Hà hợp cùng Đền Cô Tân An trở thành "Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy" là địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách mỗi năm trong hành trình "Du lịch về cội nguồn", nhất là dịp đầu Xuân mới.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục