Hoạt động của ngành

Đến năm 2020: Phấn đấu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật: 05/07/2011 07:53:42
Số lần đọc: 2786
Tại hội thảo Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Viện nghiên cứu phát triển Du lịch (TCDL) tổ chức vừa qua tại Hà Nội, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về các chỉ tiêu, định hướng và giải pháp nhằm đưa ngành Du lịch đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Phát triển du lịch bền vững theo hướng hiện đại

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn cho biết, ngày 25/5/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 307/TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 1995–2010. Sau 5 năm thực hiện Quy hoạch, Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: hoàn thành hệ thống các doanh nghiệp du lịch trên các lĩnh vực tương đối vững mạnh; Du lịch phát triển góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo nông thôn; thay đổi nhận thức của cộng đồng, các cấp, các ngành… Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng đưa ra những mặt còn tồn tại như Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Vì thế, trong Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, ngành Du lịch đề ra mục tiêu đến năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 10,3 triệu lượt, khách nội địa đạt 47,5 triệu lượt, mang lại doanh thu 19 tỷ USD. Đến năm 2030, đạt khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 58 triệu lượt khách nội địa và mang lại doanh thu trên 36 tỷ USD. Mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 được xác định là: phát triển du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hoá huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của các vùng miền trong cả nước...

 

Trong Quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, ngành Du lịch xác định: tập trung vào thị trường nội địa với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm; phát triển mạnh thị trường khách quốc tế gần như Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tăng cường khai thác thị trường khách cao cấp đến từ Tây Âu và Đông Âu, mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Ấn Độ… Không gian phát triển du lịch sẽ tập trung theo 7 vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đa dạng và phát huy thế mạnh từng vùng. Động lực phát triển du lịch vùng và địa phương cũng được xác định ở 39 khu du lịch quốc gia, 30 điểm du lịch quốc gia và 10 đô thị du lịch…; trọng tâm phát triển sản phẩm sẽ là du lịch biển đảo; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao thương hiệu du lịch, cải thiện mội trường... 

Nhiều giải pháp đặt ra

 

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020, các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Theo đó, các đại biểu đã nhất trí với 9 giải pháp cần được tập trung thực hiện. Cụ thể nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách sẽ tập trung chú trọng phát triển cơ chế chính sách đầu tư phát triển du lịch; cơ chế chính sách về thuế, thị trường, xuất nhập cảnh, hải quan; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bền vững. Trong nhóm giái pháp về vốn đầu tư, các đại biểu cũng nhất trí tập trung tăng cường đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho phát triển du lịch, huy động các nguồn lực tài chính trong nhân dân, của các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo đủ nguồn vốn với cơ cấu 80% vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Đặc biệt, đối nguồn nhân lực, Quy hoạch đưa ra giải pháp xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện tiêu chuẩn hoá một bước nhân lực ngành Du lịch phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch, đồng thời phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về du lịch; xây dựng, công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.

 

Về tổ chức quản lý sẽ tập trung vào 5 vấn đề chính như: tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện điều tra tài nguyên; chú trọng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp; nâng cao trình độ quản lý du lịch cho các cấp, các ngành. Cùng với đó, trong Quy hoạch cũng nhấn mạnh giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ như tăng cường công tác thống kê ngành du lịch, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kiến thức bồi dưỡng du lịch, xây dựng mạng lưới chuyên gia có khả năng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch, đầu tư cơ sở vật chất, thiết lập vận hành cơ sở dữ liệu ngành Du lịch… Ngoài các giải pháp nêu trên, Quy hoạch phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 còn đề ra các giải pháp về xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế, công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch...

 

Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030 đã đề ra những định hướng và những giải pháp gắn với những mục tiêu cụ thể, mở ra cho ngành Du lịch hướng phát triển mới, theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2020, Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Nguồn: Báo Du lịch

Cùng chuyên mục