Tin tức - Sự kiện

Hà Nội: Đưa “Lễ hội chạy lợn” vào danh mục bảo tồn văn hóa quốc gia

Cập nhật: 01/12/2008 10:12:14
Số lần đọc: 1684
Ngày 28/11, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội giới thiệu chương trình bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội chạy lợn” tại đình Thượng, thôn  Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên. Đây là lễ hội văn hóa cổ truyền có từ hàng nghìn năm trước, được người dân địa phương lưu giữ.

Tuy là cuộc “tổng duyệt” cho lễ hội chính thức (diễn ra vào ngày mùng bảy tháng giêng âm lịch năm 2009) nhưng ngay từ sáng sớm ngày 28/11, người dân xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã kéo đến đình Thượng để chứng kiến cuộc thi 5 năm mới diễn ra một lần: thi “Chạy lợn”.

 

Từ trên đê, đoàn xe chở các đội thi cùng các “Ông lợn” với cờ quạt, trống phách rộn rã tiến vào đình làng trong sự hồ hởi của bà con dân làng. Ba đội thi (mỗi đội 21 người) mặc quần áo chẽn, đầu quấn khăn, vai vác những con dao sáng loáng (mỗi con nặng bảy ki-lô-gam) làm người xem như gặp lại các đinh tráng ngày trước.

 

“Lễ hội chạy lợn” có từ thời vua Hùng, gắn liền với truyền thuyết về thần Cao Sơn Đại Vương (là bộ tướng của  Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh), một vị thần trong “Tứ bất tử” của người Lạc Việt, có công lớn giúp vua Hùng Duệ Vương đánh giặc Thục.

 

Tương truyền, trong một lần chỉ huy hành quân qua làng Diền (nay là thôn Duyên Yết), quân sĩ của Cao Sơn Đại Vương đang cần tiếp tế, các cụ cao niên trong làng xin thần được làm cỗ khao quân. Thần đồng ý với điều kiện phải làm thật nhanh để kịp khao quân. Dân làng đã mang những chú lợn mình nuôi được ra làm cỗ để khao quân với khí thế thần tốc.

 

Sau bữa ấy, đạo quân tiếp tục lên đường đánh giặc và giành thắng lợi. Cũng từ đó, làng Diền luôn tưởng nhớ tới Cao Sơn Đại Vương và phong ông làm Thành Hoàng, hàng năm tổ chức lễ hội “Chạy lợn” mang đậm nét “nghĩa tình quân dân cá nước” xưa.

 

Phần thi “Chạy lợn” diễn ra rất sôi nổi, hào hứng trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của dân làng. Điểm đặc biệt là các đội phải mổ lợn, làm cỗ thật nhanh. Sau phần tế, lễ, rước long trọng, các đội đại diện cho từng thôn khẩn trương mổ lợn, làm cỗ. Với sự phối hợp ăn ý, sức mạnh, sự dẻo dai cùng bí quyết lưu truyền từ ngàn đời, các đội chỉ mất khoảng hai phút cho việc mổ lợn, luộc chín thủ lợn để dâng cúng Thành Hoàng là thần Cao Sơn Đại Vương. Sau cuộc thi, các đội cùng mang lợn về mở tiệc trong toàn thôn.

 

Cụ Trương Văn Xuân, 84 tuổi, người thôn Duyên Yết kể:  Ngày trước, “Chạy lợn” là lễ hội hàng tổng, người tham dự rất đông với năm đội đại diện cho năm giáp.

 

Lợn đem ra thi được gọi là “Ông lợn”, được các giáp nuôi trong suốt một năm với chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, trước hôm thi mười ngày được cho ăn cháo gạo nếp, tắm nước thơm. Bí quyết mổ lợn nhanh được các đội lưu giữ nghiêm ngặt từ đời nay qua đời khác, chỉ truyền cho trai tráng. Dao mổ lợn chỉ có thợ rèn Bắc Sơn mới làm được, nồi nấu nước đúc bằng đồng thau được người dân lưu giữ từ vài trăm năm.

 

Cuộc thi thể hiện tinh thần thượng võ, dồn sức chống quân xâm lược, sức mạnh, tài khéo léo của người dân. Trong những năm chiến tranh, lễ hội “Chạy lợn” không được tổ chức. Đến năm 1999, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lễ hội được khôi phục, cách 5 năm tổ chức một lần.

 

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi, lễ hội “Chạy lợn” có nhiều nét độc đáo. Ngày 28/11/2007, lễ hội “Chạy lợn” đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ra quyết định cấp dự án 100 triệu đồng trong chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn.

 

Từ nay đến cuối năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội khẩn trương triển khai thực hiện để đến ngày mùng bảy tháng giêng âm lịch năm 2009 lễ hội sẽ được tổ chức hoành tráng với ba sân khấu nổi trên mặt nước, đón tiếp đông đảo du khách thập phương.

 

Thời gian tới, để đáp ứng mong mỏi của bà con địa phương, ngành văn hóa cùng chính quyền huyện Phú Xuyên sẽ tổ chức lễ hội mỗi năm một lần. Mục tiêu đặt ra là quảng bá rộng rãi, để người dân cả nước và du khách cùng tham gia, tìm hiểu về lễ hội “Chạy lợn”, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phí vật thể.

 

Đây sẽ là một lễ hội độc đáo bổ sung vào danh mục hoạt động của đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT