Tin tức - Sự kiện

Nhà cổ Hội An - niềm tự hào di sản

Cập nhật: 19/05/2008 09:05:47
Số lần đọc: 1746
Cùng với các di tích kiến trúc trong khu phố cổ như Chùa Cầu và hệ thống lăng, miếu, đền, đình... thì hơn 1000 ngôi nhà cổ trong đô thị cổ Hội An làm gia tăng giá trị của di sản văn hoá thế giới này.

Trải qua thời gian, những ngôi nhà cổ Hội An vẫn trầm mặc chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử và chịu sự tàn phá của thiên nhiên... Chính điều đó càng làm cho Nhà cổ Hội An thêm giá trị.

 

Ngôi nhà của gia đình ông bà Lê Thương (năm nay đã hơn 80 tuổi) ở số 101 Nguyễn Thái Học là một trong những ngôi nhà cổ nhất còn nguyên vẹn ở đô thị cổ Hội An. Ngôi nhà bằng gỗ tốt trên 200 tuổi này có lối kiến trúc như nhiều ngôi nhà cùng thời khác ở Hội An. Đó là sự hoà trộn khá hài hoà giữa kiến trúc Việt - Hoa - Nhật, nhưng nổi bật nhất vẫn là đặc trưng cơ bản của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ngôi nhà lợp ngói âm dương, không quá thấp như nhà của người Nhật, không quá rộng và phô trương như nhà của người Hoa. Cũng như nhiều nhà cổ Hội An khác, nó có quy mô khiêm tốn, phong cách giản dị phù hợp với khí hậu nhiệt đới đảm bảo mùa đông ấm, mùa hè mát. Nhà cổ Hội An thường quay ra mặt phố  nên ngôi nhà thường là nơi kết hợp giữa nơi cư trú - nơi sản xuất - dịch vụ kinh doanh... Dẫu vậy ngôi nhà lại tiếp thu được những tiện ích trong kiến trúc Hoa - Nhật như có sân trời, có nhà cầu (tức là nhà nối giữa nhà chính và nhà bếp qua sân trời); có gian gác dùng làm phòng ở và phòng đọc sách...  Bà Lê Thương kể: Ông cố của bà là Tấn Ký - Một thư lại giàu có ở Hội An đã làm nên ngôi nhà này, giờ để lại cho ông bà trông giữ. “Tôi rất tự hào được thừa kế căn nhà vô giá này”.

 

Trải qua bao thăng trầm của thời gian và thời cuộc nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An không chỉ giữ được nguyên vẹn kiến trúc mà chủ nhân của nó còn giữ được những vật quý hoá nhất trang điểm cho ngôi nhà đó là những bức hoành phi, câu đối sơn son mạ vàng rất điệu nghệ; là bộ đồ thờ bằng đồng, bằng bạc tinh xảo; là bộ sập gụ, tủ chè bằng gỗ tốt cẩn khảm trai ốc tỷ mỉ đã có từ khi những ông cố xây dựng ngôi nhà này... Người Hội An, dù giàu có hay chỉ bậc trung trung cũng bầy biện trong căn nhà của mình hết sức nhã nhặn và giản dị nhưng lại toát lên vẻ cao sang.  Chính điều này làm nên sức hút của nhà cổ Hội An trước du khách gần xa.

 

Anh Christal - một du khách người Đức đã thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo của nhà cổ Hội An. “Những căn nhà rất xinh xắn, tiện lợi, thoáng mát. Nhưng tôi thực sự ấn tượng bởi nghệ thuật kiến trúc và bài trí của ngôi nhà này. Tôi đã đi nhiều cả Nhật bản, Trung Hoa, Hàn Quốc... nhưng thấy nhà cổ ở Hội An có những nét riêng độc đáo, rất Việt Nam”...

 

Hiện ở Hội An còn khoảng hơn 1.000 ngôi nhà cổ. Đó chính là điểm nhấn tạo nên nét đẹp của đô thị cổ Hội An. Có một nhà nghiên cứu đã viết: “Những bức tường so le, trầm mặc; những mái ngói nhấp nhô xanh mượt mầu rêu, những bò nóc, bờ hồi uốn cong mềm mại, những đôi mắt cửa thâm nghiêm, huyền bí, những đường nét văn hoá tuyệt vời làm cho hồn phố có sức hấp dẫn kỳ lạ Đây là một quần thể mang dáng dấp điển hình cho kiến trúc của một cảng thị phồn thịnh xa xưa”.


Tuy nhiên thời gian đã làm nhiều ngôi nhà cổ ở Hội An xuống cấp. Khu phố cổ Hội An nằm sát sông Hoài nên năm nào cũng bị ngập lụt. Đặc biệt gần đây hai trận lụt lịch sử năm 1999 và năm 2007 đã nhấn chìm phố cổ vì vậy khá nhiều ngôi nhà bị xuống cấp trầm trọng... Để bảo vệ khu phố cổ, Chính quyền Hội An đã nhiều lần nâng cấp sửa chữa những căn nhà này. Ông Nguyễn Văn Sự, Bí thư thành uỷ Hội An, người đã gắn bó với việc gìn giữ và bảo vệ đô thị cổ Hội An nhiều năm qua nói: “Chúng tôi cố gắng gìn giữ nguyên vẹn nhà cổ như giữ một phần hồn cho phố cổ Hội An. Chính vì vậy, UBND thành phố vừa quyết định một cơ chế đặc biệt cho chủ nhân của những ngôi nhà cổ sửa chữa nhà. Theo đó, UBND thành phố sẽ hỗ trợ từ 40 đến 46% tổng kinh phí trùng tu các hạng mục”.

 

Đến thời điểm này thành phố đã cấp hơn 90 giấy phép sửa chữa, trùng tu nhà cổ cho các gia đình trong khu vực phố cổ. Ngoài phần hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm, các gia đình sở hữu nhà cổ đã tự đầu tư khoảng 90 tỷ đồng cho việc trùng tu.

 

Cũng cónhiều gia đình tự sửa chữa và nâng cấp nhà cổ mà không tuân thủ nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo nhà cổ chung, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu thì “đó là điều không thể” bởi sẽ làm hỏng bộ mặt đô thị cổ. Chính UNESCO cũng đã cảnh báo Hội An điều này. Vì vậy, những người quan tâm tới Hội An và du khách rất mong chính quyền thành phố và ngành văn hoá tỉnh Quảng Nam có kế hoạch cụ thể để bảo tồn những ngôi nhà cổ ở đây, những ngôi nhà mà Giáo sư Viện sỹ SAKURAI KIYOHIKO Chủ tịch Hội khảo cổ Nhật Bản đã cho rằng: “Rất độc đáo, đa dạng, thể hiện trí tuệ, tài năng và sức sáng tạo của ông cha ta trong lịch sử”./.

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT