Sẽ khai trương Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vào năm 2010
Đây được xem là dấu mốc đặc biệt, là hành lang pháp lý quan trọng, định hướng, tạo cơ chế và nguồn lực để đầu tư và phát triển Làng Văn hoá- Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo đó, quan điểm đầu tư phát triển của giai đoạn này là xây dựng Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa của nhân dân và khách quốc tế.
Về mô hình, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xác định là một khu kinh tế - văn hóa đặc thù, trong đó, văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu; Tạo cơ chế để đồng bào các dân tộc và các địa phương xây dựng khu các làng dân tộc từ khâu thiết kế, thi công đến quản lý, vận hành và khai thác.
Để đầu tư phát triển Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, nhà nước sẽ tập trung nguồn vốn ngân sách cho khu các làng dân tộc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, trục trung tâm; Thực hiện xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, xây dựng và phát triển; Đảm bảo kết hợp hài hòa giữa đầu tư xây dựng và vận hành khai thác nhằm phát huy cao nhất hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội.
Kế hoạch đầu tư phát triển đã xác lập rõ mục tiêu đến năm 2015 của Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam bao gồm 2 giai đoạn:
Đến năm 2010: Khai trương Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam với việc hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, đưa vào hoạt động 34/54 làng dân tộc; Kêu gọi đầu tư lấp đầy hai khu chức năng là khu trung tâm văn hóa thể thao vui chơi giải trí và khu dịch vụ, du lịch và khách sạn; Tổ chức vận hành và khai thác cục bộ.
Đến năm 2015: Hoàn thành xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, trục trung tâm và cảnh quan chung của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; hoàn thiện việc đầu tư, xây dựng và đưa vào hoạt động toàn bộ Khu các Làng dân tộc (54 làng dân tộc, hạ tầng và các khu phụ trợ); Kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu chức năng sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; Kiện toàn tổ chức bộ máy; Đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả toàn bộ dự án; Hằng năm, tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch; Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch quốc gia.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định một số cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, giao vốn ngân sách nhà nước, khuyến khích thu hút nguồn nhân lực, nhân sự, tiền lương,... tạo điều kiện, nguồn lực để Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức triển khai tốt kế hoạch đầu tư đến năm 2015. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo, hỗ trợ, phối hợp, đảm bảo đủ nguồn vốn ngân sách, hoàn thành các dự án ngoài hàng rào (dự án ổn định mực nước hồ Đồng Mô, đường Láng – Hòa Lạc kéo dài) và tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù phục vụ cho đầu tư phát triển Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Để tổ chức triển khai thắng lợi kế hoạch đầu tư và phát triển đến năm 2015 và đặc biệt là đưa Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam khai trương vào năm 2010, mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã xây dựng một đề án tổng thể, đồng bộ đảm bảo việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ và nhân dân giao.
Đề án đã chỉ ra các tiêu chí cần thiết để đạt được kế hoạch khai trương Làng Văn hóa vào năm 2010 và hoàn thành kế hoạch đầu tư đến năm 2015, các nhóm công việc cần triển khai đến 2010 và 2015 (đầu tư xây dựng cơ bản, nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đào tạo, tổ chức chương trình, sự kiện, quản lý vận hành... các công việc trọng tâm ưu tiên).
Để thực hiện các tiêu chí, công việc đó, đề án đã đề xuất hệ thống 7 nhóm giải pháp cơ bản: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Huy động nguồn lực xã hội; Nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý điều hành dự án; Lập hệ thống kiểm soát đánh giá điều chỉnh; Đẩy mạnh thông tin, quảng bá, giới thiệu hình ảnh; Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Các giải pháp đột phá, mũi nhọn.
Đề án cũng nêu ra các phần công việc phải có sự chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội,... và các phương án dự phòng để tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, phát sinh có thể gặp phải trong quá trình thực hiện.