Thừa Thiên-Huế: Xích lô - mô hình du lịch cộng đồng tại Huế
Thực trạng của xích lô Huế
Theo thống kê của LĐLĐ TP Huế, hiện trên địa bàn TP có 232 chiếc xích lô (XL) thuộc 21 tổ tham gia dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Việc hình thành các tổ XL ban đầu là do một nhóm người thông qua quen biết tập hợp, hoạt động theo từng địa bàn riêng. Các nhóm này hoạt động tự phát và độc lập, tự bảo vệ quyền lợi trong cạnh tranh với các tổ XL khác theo nguyên tắc XL ở địa bàn này không được dừng đón khách ở địa bàn khác.
Chính điều này nảy sinh hiện tượng đeo bám, ép giá khách, để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với du khách khi đến Huế. Mặt khác, những người tham gia hoạt động XL du lịch là dân lao động nghèo, trình độ văn hoá không đồng đều. Cũng theo thống kê của LĐLĐ TP Huế thì chỉ có 10% lao động có trình độ phổ thông trung học; 30% có trình độ phổ thông cơ sở; còn lại mới học hết tiểu học, thậm chí mù chữ.
Những năm qua, ngành du lịch đã phối hợp với UBND TP Huế và các ngành liên quan nhiều lần tổ chức lại đội ngũ XL du lịch như: Mở các khoá tập huấn cho người lao động; thiết kế các mẫu XL du lịch mang đậm dấu ấn văn hoá Huế; cung cấp trang phục và vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hỗ trợ kinh phí sửa chữa, nâng cấp chất lượng XL theo mẫu thiết kế; bố trí bến bãi đậu xe. Đặc biệt năm 2004, Sở Du lịch phối hợp với LĐLĐ TP Huế thành lập Nghiệp đoàn Xích lô du lịch.
Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên-Huế thì hiện vẫn còn không ít bất cập về hoạt động của xíchlô Huế. Cụ thể là giá dịch vụ không đồng nhất và khá cao, hiện tượng chèn ép giá vẫn phổ biến. Chất lượng XL vẫn chưa đạt yêu cầu về mặt thẩm mỹ và thiếu đồng nhất về mẫu mã. Người lao động vẫn còn thiếu những kiến thức tối thiểu trong giao tiếp, phục vụ, tuyến điểm, ngoại ngữ... Hiện tượng tranh giành khách vẫn xảy ra...
Xích Lô - Mô hình du lịch cộng đồng tại Huế
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giao cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án "Tổ chức XL du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng" để chấn chỉnh hoạt động của các tổ XL tự quản, tiến tới hình thành những tổ XL chuyên phục vụ khách du lịch. Xây dựng lại các mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và những tổ XL. Từng bước đưa XL đi vào nền nếp.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang thực hiện giai đoạn 1 của đề án gồm: Khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động, đời sống và thu nhập của người lao động ở những nơi xây dựng mô hình. Khảo sát thị trường về sản phẩm du lịch cộng đồng đối với XL du lịch; lựa chọn mô hình phù hợp, thiết kế mẫu xe XL; mẫu trang phục và đăng ký sở hữu công nghiệp về kiểu dáng mẫu xe. Tổ chức các hội nghị Nghiệp đoàn Xíchlô du lịch. Chuẩn bị tài liệu tập huấn và tổ chức học tập.
Giai đoạn 2, dự kiến thực hiện từ tháng 6/2008 đến tháng 6/2009 với các phần việc: Lấy ý kiến và vận động người lao động, các tổ chức XL du lịch tham gia. Xây dựng điều lệ cụ thể cho Nghiệp đoàn Xíchlô du lịch. Hình thành Ban Quản lý xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, nguyên tắc phân chia lợi ích. Hình thành quỹ cộng đồng và nguyên tắc sử dụng quỹ.
Ban hành quy chế thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật và thẩm mỹ của XL du lịch theo mẫu xe thống nhất. Xây dựng các tour du lịch, các tuyến đường cho phép XL du lịch hoạt động. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, hoạt động (kỹ năng giao tiếp, phục vụ, kiến thức pháp luật và các quy định của Nhà nước có liên quan đến XL, ngoại ngữ)...