Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Tích cực chuẩn bị đón khách
Chuẩn bị chỗ lưu trú
Tuy chỉ diễn ra trong ba ngày, nhưng Festival Tây Sơn - Bình Định lần thứ I gồm nhiều hoạt động hoành tráng, dự kiến sẽ thu hút rất đông người tham gia. Chẳng hạn, Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II dự kiến có sự tham gia của hơn 1.500 võ sĩ, huấn luyện viên, võ sư đến từ các đoàn trong và ngoài nước; các chương trình biểu diễn nghệ thuật sẽ quy tụ hàng chục đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; rồi cuộc thi Người đẹp Những miền đất võ, Liên hoan Sinh vật cảnh, Hội Làng nghề Truyền thống và Ẩm thực… Ngoài ra, còn có hàng ngàn khách mời là đại biểu các ngành Trung ương, các Đại sứ quán, Lãnh sự quán; đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước… cùng một lượng du khách sẽ về Bình Định tham gia Festival. Số lượng người quy tụ về Quy Nhơn trong thời gian diễn ra Festival dự kiến lên đến cả chục nghìn người.
Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định, tổng số phòng của tất cả các khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ trên địa bàn TP. Quy Nhơn có thể huy động để phục vụ khách về tham dự Festival là 1.868 phòng với 3.320 giường. Số chỗ lưu trú như vậy là quá ít so với lượng khách đến Quy Nhơn trong thời gian diễn ra Festival.
Để chủ động chuẩn bị về số chỗ lưu trú phục vụ khách về tham dự Festival, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra thực tế số phòng tại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn TP. Quy Nhơn có đủ điều kiện phục vụ Festival. Kết quả kiểm tra cho thấy: tại sáu cơ sở là Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Quang Trung, Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh, có tổng cộng 504 phòng với 4.962 giường.
Ông Đinh Khắc Diện, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch Bình Định, cho biết: “Các khu lưu trú của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Quy Nhơn hiện không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đón khách trong Festival. Chúng tôi đã báo cáo với UBND tỉnh về thực trạng này; đồng thời, đề xuất phương án: nếu phải tận dụng cơ sở lưu trú của các trường, thì nên chọn Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Nghề Bình Định và Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Định với tổng cộng 484 phòng, 4.858 giường. Nhưng nếu chọn các nơi này thì cần phải hỗ trợ một phần kinh phí để các trường nâng cấp, mua sắm các trang thiết bị cần thiết, đảm bảo điều kiện tối thiểu để phục vụ khách”.
Theo thống kê, nếu tận dụng luôn cả cơ sở lưu trú của các trường nêu trên, thì tổng cộng sẽ có 2.372 phòng với 8.282 giường phục vụ cho Festival. Số chỗ lưu trú như vậy phần nào tạm ổn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần tính toán thêm phương án dự phòng trong trường hợp lượng du khách đến với Quy Nhơn đông thì vẫn đủ số chỗ lưu trú. Phương án này có thể là kêu gọi các hộ dân ở Quy Nhơn tham gia đón tiếp du khách như một số địa phương khác vẫn làm trong dịp tổ chức các lễ hội lớn.
Tập huấn đón khách
Ông Đinh Khắc Diện cho biết: “Để Festival thành công, thì việc đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ đại biểu, các đoàn, khách du lịch là một trong những công tác rất quan trọng. Do đó, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức du lịch, nâng cao kiến thức và kỹ năng giao tiếp với du khách, xây dựng hình ảnh tốt đẹp về đất nước, con người Bình Định”.
Lớp tập huấn đầu tiên dành cho lực lượng tình nguyện viên do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức, sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/5, với sự tham gia của 250 tình nguyện viên. Những tình nguyện viên này là những người nhiệt tình với công việc, có sức khỏe và ngoại hình tốt, ưu tiên cho những người biết ngoại ngữ, được giới thiệu từ các đơn vị: Tỉnh Đoàn Bình Định, các trường: Đại học Quy Nhơn, Đại học Quang Trung, Cao đẳng Sư phạm Bình Định. Các tình nguyện viên sẽ được tập huấn về lễ tân ngoại giao, giao tiếp với khách quốc tế; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; giới thiệu về chương trình Festival; giới thiệu về các di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh…. Sau khi được tập huấn, theo dự kiến, 80 tình nguyện viên sẽ được phân công phục vụ các đoàn khách và các đoàn về tham gia Liên hoan Quốc tế Võ Cổ truyền Việt Nam lần thứ II (liên tục trong 8 ngày); 170 tình nguyện viên còn lại sẽ được huy động thêm để tham gia phục vụ trong các ngày diễn ra Festival.
Tiếp đó, ngày 30/5 tới, một lớp tập huấn khác cũng sẽ được tổ chức, dành cho khoảng 100 tài xế taxi, xe buýt, xe ôm, xích lô… tại các bến xe, nhà ga, trước các khách sạn, khu du lịch. Những người tham gia vận chuyển khách này cũng sẽ được tập huấn một số kiến thức cơ bản về các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh; hệ thống khách sạn, nhà hàng và lữ hành; nội dung chương trình Festival; văn minh trong giao tiếp phục vụ khách; chấp hành an toàn giao thông…
Ngoài ra, trong thời gian tới, Ban Tổ chức Festival cũng sẽ làm việc với các cơ sở lưu trú, lữ hành, nhà hàng về vấn đề giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhằm đảm bảo phục vụ du khách về tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định lần thứ I một cách tốt nhất.