Bắc Hà, một thoáng tháng Năm
Mùa hoa lê hoa mận, cả vùng ngập trong màu trắng thanh khiết và thơ mộng. Nhưng đâu chỉ có vậy, nơi đây còn được biết đến bởi lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ trong lành với bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc và phong phú trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2008 diễn ra từ 30/5 đến 02/6 diễn ra từ 30/5 đến 01/6/2008 tại thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà – Lào Cai)chúng tôi-đoàn cán bộ, phóng viên báo Hà Nội mới đã làm 1 cuộc hành trình xuyên qua rừng cọ đồi chè của đất tổ Vua Hùng và Yên Bái đến với cao nguyên Bắc Hà vào mùa mận chín. Trong dịp này chúng tôi đã được tham dự vào nhiều hoạt động đặc sắc, như thăm triển lãm về du lịch Bắc Hà, đi hội chợ thương mại – du lịch và ẩm thực,dự lễ hội mận Bắc Hà và lễ rước mận, khám phá vẻ đẹp văn hoá bản làng, liên hoan văn nghệ dân gian và biểu diễn trang phục dân tộc, lễ hội sông Chảy, đua ngựa truyền thống…
Những ấn tượng khó phai
Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà 2008 được mở đầu bằng cuộc triển lãm về du lịch Bắc Hà tại dinh thự cổ Hoàng A Tưởng xây dựng cách đây hơn 80 năm.Đây là tòa nhà có cấu trúc kiến trúc đặc biệt kết hợp 2 phong cách Á-Âu, nay đã trở thành 1 di sản văn hóa độc đáo, thu hút nhiều khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu vẻ đẹp kiến trúc có 1 không hai này. Dinh thự này mới được đầu tư 9 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, tòa nhà cổ kính rêu phong dáng vẻ u sầu , nhưng cực kỳ bắt mắt trước kia vào những ngày này đã được thay áo mới khiến cho nhiều du khách hiếu kỳ thích săn tìm hình ảnh của quá khứ không khỏi bùi ngùi tiếc nuối.
Cùng ngày, Tại Trung tâm chợ Văn hóa Bắc Hà du khách được tham gia vào lễ hội ẩm thực ấn tượng vào bậc nhất đó là cùng chia sẻ món ăn được nấu trong chảo thắng cố lớn nhất Việt Nam. Chảo thắng cố này có đường kính 3m, sâu lòng 1m với dung tích chứa đựng 2m3 nước. Nguyên liệu để nấu thắng cố là 3 con ngựa và các loại lá cây, gia vị đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây, đặc biệt sẽ được nấu theo phong cách cổ truyền bản địa. Trời càng lạnh, thắng cố càng ngon, nhắm với bát rượu ngô Bản Phố ấm nồng đã trở thành một thú ẩm thực khoái khẩu của người dân vùng cao trong những ngày lễ hội, tại các phiên chợ văn hóa và là đặc sản được ưa chuộng tại nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh Lao Cai.
Trong hàng loạt hoạt động hấp dẫn củaTuần Văn hoá – Du lịch Bắc Hà 2008, sáng 31/5, lễ hội Mận Tam hoa đã được khai mạc. Đây là lễ hội mận đầu tiên của Bắc Hà, của tỉnh Lào Cai được tổ chức. Huyện Bắc Hà hiện có gần 1.000 ha mận Tam hoa,được coi là vùng chuyên canh mận Tam hoa lớn nhất nước, đạt sản lượng trung bình khoảng 7.000 đến 8.000 tấn quả tươi/năm. Từ nhiều năm nay, cây mận Tam hoa là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bắc Hà và cây mận Tam hoa luôn gắn với địa danh Bắc Hà. Lễ hội đã thể hiện được sư tôn vinh giá trị của cây mận Tam hoa đối với kinh tế, văn hoá, xã hội của Bắc Hà. Mận Tam hoa được trông nhiều ở Na Cồ, vươn cao trên lưng chừng núi Ba mẹ con,núi Cô Tiên huyền thoại Vào mùa mận chín, sáng sáng, ngay tại huyện lỵ Bắc Hà, người dân địa phương mang làn, lu cở đầy những quả mận tím đỏ còn tươi màu phấn bán cho khách du lịch và những người mua buôn đem về dưới xuôi. Mận Tam hoa có những ưu thế vượt trội như sản lượng cao, quả to, màu sắc hấp dẫn, giòn, độ chua, ngọt hợp với khẩu vị của nhiều người và dễ vận chuyển, mận Tam hoa ngon nhất khi vừa được trảy và ăn luôn dưới những tán lá xanh rì rào trong gió cao nguyên. Hình thức hái mận và thưởng thức tại vườn chắc chắn sẽ hấp dẫn nhiều người khách du lịch đặt chân tới đất này vào mùa mận chín.
Chợ phiên vùng cao- điểm đến hấp dẫn
Chợ phiên Bắc Hà là chợ mang đậm dấu ấn phong tục tập quán sinh hoạt của vùng cao. Chợ chỉ họp 1 lần/ tuần vào ngày Chủ nhật. Chợ không chỉ thu hút khách bằng màu sắc váy áo phong phú của đồng bào các dân tộc mà bằng cả sự đa dạng của hàng hóa nơi đây. Chợ có nhiều gian. Nhưng thú vị hơn cả vẫn là những gian hàng bán thổ cẩm và các sản vật địa phương. Vào ngày họp chợ, từ sáng sớm đã thấy đồng bào các dân tộc súng sính trong những bộ quần áo đủ màu sắc, đeo trên lưng lu cở rau, củ, quả hay những chú ngựa thồ hàng tíu tít đi vào chợ. Nhiều người bán chỉ bày vài ba bó rau cải, ít cà chua, bó gừng hoặc vài giò phong lan. Họ đến với chợ như đến với lễ hội. Đâu cũng thấy những nụ cười thân thiện và cởi mở. Chợ không chỉ là nơi trai gái gặp gỡ, giao duyên, mà còn là địa chỉ hội ngộ bạn bè quanh ly rượu ngô Bản phố và chảo thắng cố nghi ngút khói. Tại những gian ẩm thực nơi chợ phiên, cũng như nhà hàng ở Bắc Hà, du khách còn có thể khám phá ẩm thực riêng có ở Bắc Hà như lợn cắp nách, gà thả đồi, thị trâu, thịt bò khô, xôi bảy màu, phở chua,v.v.... Từ Bắc Hà, sáng thứ 7 hàng tuần, nếu chịu khó đi lượn vòng vèo, quanh co, vừa đi vừa ngắm cảnh non xanh núi biếc “như tranh họa đồ”du khách có thể đi chợ phiên Cán Cấu, tham quan huyện lỵ Simacai và rừng ma,nơi có nhiều bí ẩn chưa được khai phá mà hầu hết mọi người chỉ dám chiêm ngưỡng từ xa chứ chẳng mấy ai dám đặt chân vào. Vào các ngày khác trong tuần, từ Bắc Hà du khách có thể tới tham quan chợ Cốc Ly, Lùng Phình v.v…
Lễ hội du lịch làng bản -đầy chất thơ
Lễ hội du lịch làng bản nằm trong chương trình Tuần văn hóa du lịch Bắc Hà diễn ra tại 4 xã: Trung Đô, Na Hối, Bản Phố 2 và Tà Chải ( Bắc Hà)
Chương trình do các diễn viên đội văn nghệ địa phương biểu diễn các tiết mục văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Tày, như: xòe chiêng, xòe đôi, xòe nón (thôn Na Hối);xòe then, xòe khăn, múa mời rượu, múa ngựa… (thôn Tả Chải); múa khèn, thổi kèn lá, trích đoạn lễ hội “Gầu Tào” của dân tộc Mông (Bản Phố 2)… đã mang đến cho du khách nhiều hơn về một nền văn hóa giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Các điệu múa, lời ca có nội dung gắn liền với thực tế cuộc sống sinh hoạt thường nhật của đồng bào. Mục đích chính của lễ hội là: cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh, mong nhiều điều may mắn đến với dân làng…Lễ hội là dịp giới thiệu hình ảnh một nền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc huyện Bắc Hà với bạn bè trong nước và quốc tế.
Rời vườn mận với vị ngọt chưa tan trên đầu lưỡi, chiều 31-5 đoàn chúng tôi tới Bản Phố, quê hương của loại rượu ngô nổi tiếng. Bao quanh khu vực này là những nương ngô xanh rì leo cao tới gần đỉnh núi. Trung bình một tháng mỗi gia đình ở đây cho ra lò khoảng 100 lít rượu,vừa để dùng vừa bán. Cũng có lò sản xuất nhiều hơn. Giá mua tại nhà khoảng 12-13. 000 đ/lít. Rượu nước 1 chưa pha có thể tới 18.000 đ lít.. Rượu ngô Bản Phố trong vắt, và nếm vào thấy cháy họng, nhưng “ ngọt lừ”( theo mô tả của một bợm rượu). Trên đường đi chợ Cán Cấu, đoàn chúng tôi thấy một chàng trai dân tộc, xe máy vất cạnh đường, thản nhiên làm 1 giấc say. Một đồng nghiệp địa phương cho biết: Đó là hậu quả của rượu ngô Bản Phố. Rượu này uống vào rất bốc, đến nỗi có thể lăn quay ra ngủ ngay sau đó, nhưng rồi ngủ dậy lại thấy khoan khoái dễ chịu. Nhiều người cho rằng rượu ngon Bản Phố, được trưng cất bằng nước nguồn tinh khiết từ trong núi, từ những hạt bắp căng tròn kết quả của vùng tiểu khí hậu ôn đới thanh sạch Bắc Hà, sẽ không bao giờ được lặp lại ở bất cứ nơi nào.
Tới Bắc Hà, du khách chớ nên bỏ qua tuyến du ngọan dọc Cốc Ly-Bảo Nhai dọc theo sông Chảy. Tại Tuần lễ văn hóa du lịch Bắc Hà lần này, lần đầu tiên Lễ hội sông Chảy được tổ chức nhằm khai thác chuyến du lịch kỳ thú này.
Đua ngựa-môn thể thao độc đáo
Năm nay là năm thứ hai Bắc Hà tổ chức đua ngựa. 50 chú ngựa đã được lựa chọn để vào vòng chung kết. Ngựa đua không phải ngựa nòi nuôi để đua chuyên nghiệp mà vẫn chỉ là những chú ngựa hôm trước còn chở hàng, kéo xe và kỵ sĩ là những chàng trai dân tộc chân đất. Trước hôm đua ngựa, chúng tôi tình cờ thăm nhà anh Triệu, người dân tộc Tày ở 1 bản gần huyện lỵ Bắc Hà. Nhà anh có 2 chú ngựa, con Hoa và con xám ngày hôm sau sẽ tham gia đua. Anh khoe, hai con ngựa này mỗi con giá trị bằng 1 chiếc xe máy. Anh không hy vọng sẽ giật giải vì con xám hơi lớn tuổi rồi và con Hoa thì bụng to quá khó mà chạy nhanh được, tuy nhiên anh vẫn tự hào cho biết : Thi để lấy vui mà. Vậy đấy, khi du lịch được phát triển, đồng thời với đời sống kinh tế được cải thiện, đời sống văn hóa tinh thần của những dân tộc anh em ở Bắc Hà sẽ ngày cành được nâng cao.Trong Tuần lễ văn hóa du lịch Bắc Hà, nhiều người dân địa phương ở các huyện lân cận đã đi bộ cả ngày đường 40-50 km để tới tham gia.
Huyện lỵ Bắc Hà bừng sáng trong những ngày lễ hội bởi một bộ mặt phố phường mới được tân trang và những nét độc đáo của nền văn hóa truyền thống phong phú đa dạng trong một khung cảnh thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với những sản phẩm du lịch độc đáo có thể trở thành những thương hiệu mạnh.
Tiềm năng và lợi thế về du lịch của Bắc Hà là rất lớn, song muốn đưa nơi đây trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước thì chính quyền tỉnh Lào Cai và Bắc Hà còn phải nỗ lực rất nhiều trong chiến lược khai thác thế mạnh của mình. Bên cạnh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dịch vụ du lịch, một trong những yếu tố quan trọng là phải giữ gìn được bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc đa dạng vật thể và phi vật thể. Trong khi khai thác lợi thế về mặt tự nhiên, cũng cần có kế hoạch bảo vệ các nguồn tài sản văn hóa, lịch sử và nguồn tài nguyên thiên nhiên đảm bảo phát triển du lịch bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.
Hy vọng lần sau trở lại, chúng tôi sẽ gặp một Bắc Hà đã khai thác có hiệu quả các thế mạnh của mình, trở thành một địa điểm nghỉ dưỡng ,du lịch sinh thái và văn hóa lý tưởng với sự quản lý và dịch vụ hoàn hảo nhưng vẫn còn giữ được thiên nhiên nguyên sơ, trong trẻo và con người Bắc Hà vẫn hiền hòa, hồn hậu như trong tháng Năm này.