Cổ vật triều Nguyễn hồi hương thu hút khách tham quan cố đô Huế
Câu chuyện 2 cổ vật triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công tại Tây Ban Nha tháng 10/2021 rồi đưa về hiến tặng để tỉnh Thừa Thiên Huế gìn giữ và trưng bày phục vụ người dân và du khách vừa rồi được nhiều người quan tâm. Hai cổ vật mũ quan và áo Nhật Bình cung tần nhà Nguyễn được bán đấu giá với giá khá cao tổng trị giá 20 tỷ đồng, chưa tính các khoản phí, thuế khác. Sau khi bàn giao, 2 cổ vật này đã được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, thu hút rất nhiều người đến xem và chiêm ngưỡng.
Cổ vật mũ quan triều Nguyễn
Ông Đinh Chí Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine, đơn vị tặng cổ vật chia sẻ: “Khi tham khảo các nhà nghiên cứu, chuyên nghiên cứu về lịch sử, cổ vật, chúng tôi nhận ra rằng, các cổ vật này có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam. Bằng tình yêu của mình, phải hồi hương được các cổ vật về Việt Nam, mong muốn lan tỏa ra cộng đồng và mong muốn đây không phải là hành trình đầu tiên hay hành trình cuối cùng mà nó sẽ tiếp nối và sẽ được cộng đồng lan tỏa”.
Sau chiến tranh, có rất nhiều cổ vật, đặc biệt là từ triều đại nhà Nguyễn, của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Không phải cổ vật nào cũng may mắn được thu hồi đưa về quê hương vì nhiều món hiện nằm trong bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tầm khắp thế giới. Trước đây, vào năm 2014 chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đấu giá thành công tại Pháp với giá 45.000 euro, đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại Nội Huế để phục vụ du khách.
Người dân và du khách đên chiêm ngưỡng các cổ vật tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Câu chuyện cổ vật của triều Nguyễn bị thất thoát ra nước ngoài trong suốt các triều đại nhà Nguyễn là rất nhiều. Vấn đề bây giờ tìm cách hồi hương những cổ vật, đặc biệt những cổ vật chứa đựng giá những trị về văn hóa, lịch sử của đất nước. Ở tương lai, chúng tôi hy vọng mình sẽ tiếp nhận được cổ vật nhiều hơn nữa”.
Hệ thống cổ vật Huế hiện do 4 đơn vị gồm: Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Huế, Bảo tàng Văn hóa dân gian Huế quản lý với 48.500 hiện vật. Chỉ riêng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế hiện quản lý hơn 11.500 hiện vật, trong đó có 8.800 hiện vật được bảo quản trong kho và trưng bày tại một số điểm như cung An Định, Tả Vu của điện Cần Chánh, Thiên Định cung thuộc lăng Khải Định và khoảng hơn 2.760 hiện vật được bảo quản, trưng bày tại các khu lăng tẩm, di tích khác.
Cổ vật mũ quan triều Nguyễn
Riêng tại không gian trưng bày của bảo tàng, chỉ có thể trưng bày khoảng 400-500 hiện vật, tùy theo từng chủ đề. Vấn đề lớn nhất hiện nay của Thừa Thiên Huế là không gian trưng bày, đưa các cổ vật lâu nay cất giữ trong kho ra để người dân và du khách chiêm ngưỡng, từ đó phát huy giá trị một cách tương xứng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bằng nhiều giải pháp, việc hồi hương cổ vật, đưa cổ vật đến gần hơn với công chúng, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, khai thác giá trị kinh tế của di sản, nhằm phát huy giá trị trọn vẹn của cổ vật. Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác sưu tầm hiện vật còn hạn chế, việc các tổ chức cá nhân hiến tặng hiện vật là một nghĩa cử hết sức cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích chung của cộng đồng.
Cổ vật chiếc xe kéo của Thái hậu Từ Minh được trưng bày tại cung Diên Thọ, Đại Nội Huế
“Chúng tôi đưa ra giải pháp đối với quy hoạch các nguồn ngân sách để có thể hỗ trợ trong nguồn đấu giá nếu trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi huy động phát triển theo hướng xã hội hóa với người yêu văn hóa Huế, người yêu các cổ vật Huế. Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể tham gia, hỗ trợ cho địa phương trong việc thu thập, đấu giá các hiện vật và đem về đúng chủ sử hữu. Làm phong phú nguồn bảo vật cung đình triều Nguyễn, nhằm phát huy giá trị di sản cố đô một cách trọn vẹn nhất", ông Nguyễn Thanh Bình cho hay./.
Lê Hiếu