Hậu Giang: Cú hích cho du lịch thời 4.0
Ứng dụng công nghệ quảng bá trên mạng xã hội giúp chợ bánh dân gian ở Homestay Miệt Vườn thu hút hơn 700 khách trong một ngày.
Tồn tại và vươn lên nhờ công nghệ
Có thể nói Covid-19 cũng là phép thử của ngành du lịch và thật sự ngành đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước vượt qua những khó khăn, thử thách, vẫn kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Những mô hình đã ứng dụng thành công và đang tiếp tục tạo sức lan tỏa như mô hình “Smart hotel” của hệ thống khách sạn Sojo với các tiện ích thông minh: “Một cú chạm, vạn trải nghiệm, khám phá Sojo hotels app; số hóa vận hành Hệ thống ERP giúp quản lý hoạch định nguồn lực, chuỗi cung ứng, vòng đời sản phẩm, phát triển thị trường và quan hệ khách hàng. Bộ giải pháp khách sạn thông minh TNTech Smart Hotel Solutions (T.SHS) được coi là bộ não của Sojo, góp phần tạo ra một hành trình trải nghiệm thú vị, mới lạ và an toàn cho khách lưu trú.
Việc ứng dụng công nghệ trong du lịch được các địa phương áp dụng, nhất là những nơi là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, như Thừa Thiên - Huế. Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ: “Với nền tảng Hue-S, chúng tôi đã số hóa hết các dữ liệu, phục vụ du lịch như địa điểm, tua du lịch, di sản văn hóa, lựa chọn hiển thị thông minh theo yêu cầu, hỗ trợ quá trình du lịch, khám phá tua, dịch vụ thiết yếu, tính năng nổi bật khác là lập hành trình du lịch; định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ cần thiết, kết nối các doanh nghiệp du lịch với khách du lịch trên cơ sở giám sát của chính quyền. Nền tảng này là ứng dụng duy nhất cung cấp đầy đủ các dịch vụ du lịch phục vụ du khách”.
Dù vậy, ngành du lịch gặp không ít khó khăn, trong việc thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch, chưa có mô hình đồng bộ có sự tham gia thống nhất từ Trung ương đến địa phương, mỗi nơi làm một cách tùy theo điều kiện, khả năng tiềm lực, vật lực cũng như chưa có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử…
Hậu Giang từng bước theo xu hướng
Du lịch là một trong những lĩnh vực được đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ số, để giới thiệu hình ảnh, quảng bá, kết nối... Trong những năm qua, website của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch luôn được đầu tư nâng cấp, mở rộng, các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube với tên truy cập: DU LỊCH HẬU GIANG, đáp ứng được nhu cầu của du khách. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đang phối hợp với VNPT Hậu Giang triển khai dự án triển khai xây dựng cổng thông tin du lịch và cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao và du lịch, từ nay đến năm 2024. VNPT Hậu Giang đã xây dựng bản demo cổng thông tin du lịch, dữ liệu, quay và dựng hình 360 và mô hình không gian 3D các điểm du lịch với nhiều mục tiện ích, vừa giới thiệu tiềm năng, lợi thế du lịch, vừa giới thiệu điểm đến, cửa hàng, lưu trú, lữ hành, phản hồi... Ngành đang tiến hành các bước tiếp theo để có thể chính thức triển khai.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở Hậu Giang ít, không có nhiều doanh nghiệp lớn. Ngoài khách sạn Sojo ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý, giao tiếp với khách, các doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, như các điểm đến cũng tận dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thu hút sự tham gia của du khách, như các trang zalo, facebook, fanpage... Bà Trần Hạnh, chủ homestay Miệt Vườn, thành phố Ngã Bảy, chia sẻ: “Khó khăn của chúng tôi rất nhiều, nhưng chúng tôi chủ động khắc phục và từng bước ứng dụng công nghệ hỗ trợ để quảng bá, phát triển sản phẩm của mình. Tôi giới thiệu homestay của mình chủ yếu qua facebook và nền tảng mạng xã hội của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh. Đợt nghỉ lễ vừa rồi, tôi tổ chức chợ bánh dân gian, đã tận dụng mạng xã hội quảng bá, ngày đầu thu hút hơn 700 khách, tăng gấp mấy lần chợ bánh năm trước, chỉ ứng dụng đơn giản vậy. Chúng tôi cũng chưa có cách thanh toán khác ngoài dùng tiền mặt”...
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn có những thuận lợi và khó khăn tương tự. Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư về công nghệ thông tin nói chung của tỉnh, cũng như của ngành du lịch, sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn, tiếp thêm sức mạnh, tạo thêm nhiều điều kiện, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình công nghệ hóa hoạt động ở lĩnh vực này.
Bài, ảnh: Vĩnh Trà