Kết nối sản phẩm du lịch Thanh Hóa - Quảng Bình
Khu du lịch sông Chày - hang Tối (tỉnh Quảng Bình) đang trở thành điểm đến thu hút du khách.
Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đã đẩy mạnh hợp tác phát triển với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, hợp tác giữa 4 tỉnh Bắc miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, đã và đang có được những kết quả bước đầu quan trọng. Trong nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội nghị, hội thảo liên quan, lãnh đạo các địa phương đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ, nhằm mang lại cú hích cho sự hợp tác này. Đặc biệt là tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch 4 tỉnh có sự kết nối chặt chẽ hơn nữa. Theo đó, những ngày cuối tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành của Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, tổ chức chương trình famtrip Quảng Bình. Quảng Bình vốn nổi tiếng với những điểm đến hấp dẫn như Phong Nha - Kẻ Bàng, hang Sơn Đòong, động Thiên Đường, bãi biển Nhật Lệ, Vũng Chùa - Đảo Yến, Tượng đài Mẹ Suốt... Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với nhiều điểm du lịch mới, đầy tiềm năng và hứa hẹn phát triển mạnh mẽ.
Với chủ đề “Dấu ấn Quảng Bình - Hành trình liên kết”, trong chương trình famtrip 2 ngày - 1 đêm, đoàn doanh nghiệp lữ hành Thanh Hóa đã khảo sát các điểm du lịch mới của Quảng Bình, gồm sông Chày - hang Tối, suối Nước Moọc, đồi cát Quang Phú, vườn sâm Tuệ Linh Bố Chính và công viên Ozo. Điểm đến sông Chày - hang Tối nằm giữa một vùng núi non nhiệt đới hùng vĩ và xanh tươi. Sông Chày nước xanh màu ngọc bích, uốn mình dưới chân núi và len lỏi giữa tán rừng già. Đến hang Tối, du khách được trải nghiệm nhiều dịch vụ giải trí thú vị. Trong đó, đu dây tự do (zipline); chèo thuyền kayak khám phá sông Chày; đu dây zipline thả mình xuống giữa lòng sông; khám phá và tắm bùn trong hang Tối... Hannah (một du khách đến từ Hà Lan) cho biết, đây là lần thứ hai cô và những người bạn của mình đến Quảng Bình, nhưng là lần đầu tiên đến sông Chày - hang Tối. Những trò giải trí tại điểm du lịch này đã mang đến cho Hannah một trải nghiệm thú vị. Bởi theo Hannah, nếu chỉ đến tham quan thôi là chưa đủ, nhất là với những khách du lịch trẻ yêu thích khám phá thiên nhiên, hoặc ưa mạo hiểm. Do đó sản phẩm du lịch mới sông Chày - hang Tối đã để lại cho các vị khách quốc tế nhiều ấn tượng đẹp.
Nếu sông Chày - hang Tối và suối Nước Moọc gây ấn tượng với du khách nhờ vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ và nhiều trò giải trí mới lạ; thì cồn cát Quang Phú lại mang đến cảm giác như lạc trong bức tranh cát mênh mông, với những triền cát tít tắp có thể “đổi màu” theo bình minh hay hoàng hôn. Cùng với đó, vườn sâm Tuệ Linh Bố Chính cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua. Tại đây, du khách có thể tham quan vườn sâm, tìm hiểu quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sâm. Đặc biệt, du khách có thể trải nghiệm việc đào sâm và biến thành quả thu hoạch ấy thành món quà lưu niệm ý nghĩa cho chuyến đi. Ngoài ra, công viên Ozo cũng là lựa chọn tuyệt vời với những du khách yêu thích thiên nhiên. Ở đây, du khách có thể tản bộ qua những cầu gỗ, hai bên là tán rừng nguyên sinh hoang sơ và tìm hiểu hệ sinh thái đa dạng, phong phú của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Hoặc du khách có thể tham gia các thử thách trong chuỗi trò chơi cảm giác mạnh trên cây, chèo kayak, thuyền Sup hay chèo thuyền xuôi thác 999m của suối Ozo...
Kết nối các điểm đến, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách. Đây là yêu cầu luôn luôn đặt ra cho ngành du lịch nói chung, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Theo ông Đỗ Hoàng Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Du lịch quốc tế Hữu Nghị, thì việc kết nối các điểm đến du lịch hai tỉnh Thanh Hóa – Quảng Bình, không chỉ nhằm thu hút du khách, mà còn góp phần đẩy mạnh quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch các địa phương. Cũng thông qua việc kết nối, các hãng lữ hành và các đơn vị cung cấp dịch vụ của 2 tỉnh, sẽ có cơ hội để ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc, lựa chọn và xây dựng được những tour du lịch mới. Từ đó, góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hai địa phương.
Các doanh nghiệp du lịch là nhân tố tác động trực tiếp và quyết định đến chất lượng dịch vụ du lịch. Theo đó, sự hài lòng, thỏa mãn và mức chi tiêu của khách du lịch cũng phụ thuộc rất lớn vào lực lượng này. Do vậy, sự kết nối giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lữ hành, trong việc thu hút và mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, là hết sức cần thiết. Trong thực tế, nếu các doanh nghiệp tỏ ra thờ ơ với nỗ lực hợp tác của các địa phương, mà cụ thể hơn là họ không mặn mà với việc kết nối điểm đến và chào bán các sản phẩm du lịch; thì các sản phẩm du lịch được xây dựng cũng sẽ “ế khách” và không mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội như mong muốn.