Tăng cường quảng bá, xây dựng hình ảnh, sản phẩm du lịch Đắk Lắk
Du khách chụp ảnh kỷ niệm với voi tại khu du lịch Hồ Lắk. (Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN)
Tọa đàm nhằm đưa ra các giải pháp tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh Đắk Lắk, góp phần nâng cao nhận thức và bảo vệ môi trường, xây dựng các sản phẩm đặc sắc du lịch vùng theo hướng phát triển hiệu quả, bền vững.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng phát triển du lịch Đắk Lắk hiện nay, các ý tưởng và giải pháp phát triển du lịch Đắk Lắk trong thời gian tới, các chính sách của tỉnh Đắk Lắk đối với du lịch cộng đồng, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang là xu hướng nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành, địa phương.
Với nhiều tiềm năng nổi bật như sự đa dạng về văn hóa, khí hậu mát mẻ, thuận lợi về giao thông, Đắk Lắk cần xem xét đến cơ hội để phát triển thành một trung tâm du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy du lịch nhanh nhất.
Phó Trưởng ban Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk) Lê Minh Hảo cho biết, Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
Nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên của rừng núi, sông hồ, thác ghềnh… cùng bản sắc văn hóa đa dạng của 47 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa, lễ hội.
Sản phẩm du lịch Đắk Lắk là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa; sản phẩm đặc trưng là cưỡi voi thưởng ngoạn phong cảnh, càphê và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Ngoài ra, Đắk Lắk có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống giao thông đường bộ như Quốc lộ 14, 14C, 26, 27, 29 và có sân bay Buôn Mê Thuột - đang kết nối với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng...
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Lê Pas Tơr, nhận thức rõ tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, thời gian qua, nhiều bạn trẻ đã tham gia phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch.
Đây là một tín hiệu đáng mừng của du lịch tỉnh Đắk Lắk, tuy nhiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp về du lịch còn hạn chế, chưa thật sự phong phú và chưa có nhiều cách làm mới hiệu quả.
Ông Lê Minh Hảo, Phó Trưởng ban Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk), cho biết trong năm 2020, ngành Du lịch tỉnh sẽ ký hợp tác phát triển du lịch với Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân.
Một trong những hoạt động được quan tâm sẽ là tổ chức các hội thi, cuộc thi giới thiệu về quê hương Đắk Lắk; lựa chọn đoàn viên, thanh niên giỏi ngoại ngữ, giao tiếp tốt, có sức khỏe, yêu thích hoạt động tình nguyện để đào tạo thành hướng dẫn viên giới thiệu tại các điểm du lịch; tăng cường công tác giáo dục truyền thống như tổ chức về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, các điểm du lịch của tỉnh Đắk Lắk; tích cực xây dựng hình ảnh con người Đắk Lắk thân thiện, am hiểu về lịch sử và tình hình địa phương.
Tại buổi tọa đàm, một số bạn trẻ cũng đã đóng góp những ý kiến để phát triển du lịch Buôn Đôn; phát triển du lịch Đắk Lắk kết hợp với hoạt động trải nghiệm như rang, xay càphê, thu hoạch mắcca, trải nghiệm cuộc sống của của đồng bào dân tộc thiểu số…
Tọa đàm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019.
Hành trình có sự tham gia của 120 thành viên chính thức là các thanh niên khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc có các sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công nghệ; sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp về du lịch.
Hành trình đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai./.