Phát triển du lịch cộng đồng tại Bình Định: Đề xuất mô hình gắn với 3 vùng miền
Đề tài được Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh triển khai thực hiện từ tháng 3 – 12/2020, do Th.S Phạm Tấn Thành - Phó Viện trưởng, làm chủ nhiệm đề tài. Chiều 09/11, Viện đã tổ chức hội thảo liên quan đến đề tài nghiên cứu nói trên.
Chậm phát triển, thiếu đầu tư
Đề tài nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh trên cơ sở tài nguyên, hệ thống kết cấu hạ tầng, các yếu tố nguồn lực khác. Với thực trạng phát triển, tham chiếu về khách du lịch, lao động, cơ sở vật chất, cơ sở lưu trú, ăn uống, tiện nghi và dịch vụ. Đánh giá kết quả bước đầu các mô hình du lịch cộng đồng đang thí điểm…
Đáng chú ý, mô hình du lịch cộng đồng thí điểm đến nay đã gần 1 năm triển khai quyết định UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Lý Lương, Lý Hưng (xã Nhơn Lý) và khu vực Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng), TP Quy Nhơn đến năm 2025”. Bên cạnh những kết quả bước đầu, vẫn còn không ít hạn chế. Hiện, tại xã Nhơn Lý, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; trong cộng đồng chưa có sự thống nhất về việc phân chia lợi ích giữa các bên và khoản đóng góp vào quỹ bảo vệ môi trường, duy trì các hoạt động truyền thống. Hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, chưa chuyên nghiệp; một số người dân và du khách chưa ý thức về bảo vệ môi trường.
Tương tự, mô hình tại Bãi Xép vẫn chưa khai thác tốt không gian du lịch ven biển, hạn chế dịch vụ đi kèm; chất lượng lao động ngành dịch vụ du lịch còn thấp; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; chưa thống nhất về việc thành lập Ban quản lý điểm đến và phân chia lợi ích các bên.
Đến nay, Đề án “Thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025” triển khai ở 4 làng nghề: Rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), bí đao “khổng lồ” (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ), bánh tráng - bún số 8 (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực làm du lịch; cần thêm chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề.
Th.S Trần Võ Thị Kim Siêng, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài, cho biết: Ước tính loại hình du lịch cộng đồng tại Bình Định thu hút trung bình 342 nghìn lượt khách/năm, chỉ chiếm 8,5% tổng du khách trong năm, cho thấy du lịch cộng đồng của tỉnh phát triển chậm, chưa xứng tiềm năng, lợi thế, thiếu đầu tư và nhiều hạn chế.
Xây dựng mô hình phù hợp điều kiện từng địa phương
Đánh giá tiềm năng, cùng thực trạng, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo 3 vùng. Miền núi gắn với văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; đồng bằng gắn với nông nghiệp nông thôn; vùng ven biển gắn với ngư nghiệp. Mỗi mô hình gắn với cách thức quản lý, phân chia lợi ích, đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng, xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Chung, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch), nghiên cứu cần xác định cụ thể hơn nữa về mục tiêu, lộ trình thực hiện theo giai đoạn gắn với từng điểm đến, đề cập nhiều hơn đến sản phẩm du lịch. “Mô hình du lịch cộng đồng ở nước ta hiện rất nhiều, cần tham khảo thêm để xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương trong tỉnh”, bà Chung đặt vấn đề.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, gợi mở về việc bổ sung các di sản văn hóa đặc sắc của Bình Định trong phát triển du lịch cộng đồng; nhấn mạnh vai trò của DN kinh doanh du lịch trong xây dựng và phát triển, cũng như tính toán mức độ đáp ứng lượng khách của điểm đến du lịch cộng đồng, đảm bảo hài hòa phát triển đi đôi bảo vệ môi trường.
TS Võ Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH tỉnh yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, xác lập rõ hơn tiêu chí, lộ trình, mô hình phù hợp để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển hiệu quả du lịch cộng đồng. Tháng 12/2020, nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài nghiên cứu và nghiệm thu để báo cáo kết quả cho UBND tỉnh Bình Định./.
HOÀI THU