Phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu tinh tế, đa dạng của du khách Pháp
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại chương trình
Chương trình do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chủ trì, phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTTDL), UBND TP. Huế, một số cơ quan quản lý địa phương, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú du lịch.
Pháp luôn là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam
Phát biểu khai mạc sự kiện, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: Pháp luôn là thị trường trọng điểm của Du lịch Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam đón gần 279.000 lượt khách Pháp, phục hồi 97% so với thời điểm trước đại dịch. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng khách Pháp đến Việt Nam đã đạt hơn 102.000 lượt, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái - một tín hiệu hết sức tích cực và cho thấy tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước.
Kết quả này có được là nhờ Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho du khách Pháp. Từ năm 2015, Việt Nam miễn thị thực đơn phương cho công dân Pháp du lịch trong 15 ngày. Từ ngày 15/8/2023, thời hạn tạm trú được nâng lên 45 ngày - một bước tiến rõ rệt trong chính sách thu hút khách quốc tế.
Hệ thống kết nối hàng không giữa hai nước cũng ngày càng mở rộng, với các chuyến bay thẳng thường xuyên do Vietnam Airlines khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu và trao đổi khách du lịch.
Cục trưởng chia sẻ, hợp tác du lịch giữa hai nước đã có lịch sử hơn hai thập kỷ, với nhiều văn kiện quan trọng như Hiệp định Hợp tác du lịch năm 1996, Nghị định thư triển khai năm 2005 và Ý định thư về hợp tác du lịch năm 2018. Trên nền tảng đó, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến, trao đổi đoàn khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp hôm nay mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đây không chỉ là một hoạt động xúc tiến du lịch đơn thuần, mà còn là biểu tượng sinh động cho sự kết nối giữa hai quốc gia có bề dày quan hệ hữu nghị và hợp tác hơn nửa thế kỷ.
Năm 2023, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023) và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Trải qua hơn nửa thế kỷ, quan hệ Việt - Pháp đã không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học, văn hóa và du lịch. Hai nước chia sẻ nhiều giá trị chung, trong đó có sự tôn trọng di sản, văn hóa và phát triển bền vững. Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp năm 2024 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Pháp, đồng thời tạo tiền đề để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực - trong đó có du lịch. |
Xây dựng sản phẩm du lịch hướng tới thị hiếu tinh tế và đa dạng của du khách Pháp
Nghiên cứu thị trường cho thấy du khách Pháp có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, lịch sử và thiên nhiên; yêu thích những hành trình dài ngày, thân thiện với môi trường và tôn trọng bản sắc địa phương. Du khách Pháp không chỉ mong muốn những chuyến đi thư giãn, mà còn thực sự được sống và hòa mình vào đời sống bản địa, trải nghiệm sự chân thực trong từng khoảnh khắc. "Du lịch chậm", gắn với các giá trị bền vững và trải nghiệm cá nhân hóa, đang trở thành xu hướng chủ đạo trong thị hiếu du lịch của người Pháp.
Hiểu rõ điều đó, Việt Nam tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên sâu, bền vững và giàu bản sắc, đồng thời chú trọng cá nhân hóa trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tinh tế của du khách Pháp.
Các sản phẩm du lịch di sản tại Hà Nội, Huế, Hội An, Ninh Bình mang đến hành trình khám phá chiều sâu lịch sử, kiến trúc và văn hóa Việt Nam. Tại Hà Nội và Huế, du khách được chiêm ngưỡng những công trình cổ kính, khám phá nghệ thuật ẩm thực cung đình và văn hóa truyền thống. Hội An với những ngôi nhà cổ rêu phong, lễ hội đèn lồng lung linh, cùng với Ninh Bình - vùng đất được ví như "Vịnh Hạ Long trên cạn", là những điểm dừng chân hấp dẫn dành cho những du khách yêu thích sự thanh bình và vẻ đẹp cổ xưa.
Các tour du lịch thiên nhiên như khám phá Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên thế giới, trekking tại Sa Pa, Hà Giang - những vùng đất hùng vĩ với bản sắc dân tộc thiểu số độc đáo, hay khám phá hệ thống hang động kỳ vĩ tại Phong Nha - Kẻ Bàng và cao nguyên huyền bí Tây Nguyên sẽ mang du khách đắm mình vào vẻ đẹp ngoạn mục của thiên nhiên Việt Nam.
Du lịch biển đảo kết hợp trải nghiệm văn hóa tại Phú Quốc, Nha Trang, Hội An - Cù Lao Chàm, Quy Nhơn, Côn Đảo cũng đang ngày càng thu hút du khách Pháp. Không chỉ tận hưởng biển xanh, cát trắng, nắng vàng, du khách còn có cơ hội tìm hiểu đời sống ngư dân, tham gia các lễ hội dân gian ven biển và khám phá những di sản văn hóa đặc trưng.
Bên cạnh đó, Việt Nam đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm chuyên đề, hướng tới thị hiếu tinh tế và đa dạng của du khách Pháp như: Trải nghiệm ẩm thực Việt Nam qua các lớp học nấu ăn, khám phá làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mộc Kim Bồng. Các tour theo sở thích cá nhân: nhiếp ảnh, hành hương, đạp xe xuyên vùng quê, yoga, chăm sóc sức khỏe, học tiếng Việt trong môi trường bản địa. Các chương trình du lịch cộng đồng, lưu trú tại homestay trong làng bản, tạo điều kiện để du khách trực tiếp tham gia vào đời sống văn hóa địa phương.
Với mối liên hệ lịch sử phong phú giữa Việt Nam và Pháp, những công trình kiến trúc, khu phố cổ, và văn hóa ẩm thực pha trộn Á - Âu tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hội An mang đến cho du khách Pháp cảm giác vừa thân thuộc vừa mới lạ. Đây chính là những điểm hội tụ và giao thoa tuyệt vời giữa hai nền văn hóa, khơi dậy sự tò mò, khám phá và đồng cảm trong mỗi bước chân lữ khách.
“Với những nỗ lực không ngừng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và gìn giữ giá trị bản sắc, Việt Nam không chỉ mong muốn đem đến cho du khách Pháp những chuyến đi trọn vẹn và ý nghĩa tại Việt Nam, mà còn hy vọng mỗi trải nghiệm sẽ trở thành một nhịp cầu văn hóa, gắn kết bền chặt hơn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Pháp”, Cục trưởng khẳng định.
Quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh
Tham dự chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Đinh Toàn Thắng nhận định, Việt Nam có với bề dày lịch sử, văn hóa phong phú và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, luôn là một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Từ những bãi biển tuyệt mỹ của Nha Trang, Đà Nẵng, đến những di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, hay các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, mỗi địa danh của Việt Nam đều mang trong mình những câu chuyện và trải nghiệm độc đáo.
Đại sứ nhận thấy còn nhiều tiềm năng quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh. Đại sứ đánh giá cao chuỗi các hoạt động quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức tại Liên hoan phim Cannes 2025 diễn ra từ 13-16/5. Việt Nam luôn sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim Pháp đến khám phá và thực hiện các dự án tại đất nước Việt Nam.
Đại sứ tin tưởng rằng, với những nỗ lực chung của các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng, sự kiện giới thiệu du lịch Việt Nam tại Pháp hôm nay sẽ thành công tốt đẹp, góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng du lịch, vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè Pháp và quốc tế, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Pháp.
Tại chương trình, các đại biểu, khách mời, doanh nghiệp và các đối tác Pháp đã được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, nghe giới thiệu du lịch Việt Nam và Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, tìm hiểu về các sản phẩm và mạng lưới đường bay của Vietnam Airlines.
Bên cạnh đó, các Sở quản lý du lịch các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp Việt Nam cũng mang đến nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, đẳng cấp để quảng bá, giới thiệu đến các đối tác.
Cùng ngày đã diễn ra chương trình kết nối doanh nghiệp du lịch Việt Nam - Pháp. Tại đây, doanh nghiệp hai bên đã gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin du lịch, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư, thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh, thu hút trao đổi khách du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch