Phố Kỳ Lừa – di sản văn hóa đặc sắc của Xứ Lạng
Phố chợ Kỳ Lừa đầu thế kỷ XX. Ảnh sưu tầm.
Từ Đoàn Thành – trung tâm hành chính của Xứ Lạng qua bến sông Kỳ Cùng là đã bước từ “bên tỉnh” sang đến “bên Kỳ Lừa”, trung tâm là khu chợ. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, phố Kỳ Lừa được manh nha hình thành từ rất sớm. Thế kỷ XI – XII, nơi đây đã diễn ra hoạt động mua bán, trao đổi giữa thương nhân hai nước Việt – Trung. Đến cuối thế kỷ XVII, cùng với sự di cư của cộng đồng người Hoa từ Trung Quốc đến các tỉnh Nam, Trung bộ của nước ta, họ cũng đã đến làm ăn, định cư ở phố Kỳ Lừa do Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài lập nên. Năm 1717, Chúa Trịnh chính thức cho người Hoa cư trú tại Kỳ Lừa và 4 khu phố khác ở Việt Nam vì họ đã có quá trình cư trú ở đó lâu. Những tư liệu viết của Lạng Sơn như tấm bia “Tôn sư phụ bi” (Văn bia kính bầu sư phụ – tạo tác năm 1680), chuông chùa Thành (đúc năm 1697), bia cầu đá Kỳ Lừa (lập năm 1724), sách địa chí, bản đồ cổ… cho thấy: người Hoa ở phố Kỳ Lừa rất đông, họ ở thành từng khu riêng biệt trong chợ. Đến cuối thế kỷ XIX, Kỳ Lừa có phố của người Quảng Đông, Quảng Tây… Sự cộng cư, giao thoa văn hóa giữa người Hoa và cư dân bản địa qua nhiều thế kỷ đã dần định hình, tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của cư dân nơi miền phố chợ.
Sách Lạng Sơn Đoàn Thành đồ của Nguyễn Nghiễm (biên soạn năm 1758) phác họa diện mạo của phố Kỳ Lừa khi đó thật rõ nét “Phố xá nối tiếp nhau, thổ dân và người Trung Quốc ở lẫn với nhau. Phố có chợ tháng họp 6 phiên, buôn bán mọi thứ hàng hóa…”. Những bức ảnh sắc nét của người Pháp chụp cuối thế kỷ XIX cho thấy phố chợ Kỳ Lừa khi đó thật đông vui, sầm uất. Những ngôi nhà ống lợp ngói máng, có mái hiên san sát liền kề ở mặt phố mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa vừa là nơi ở, vừa là cửa hiệu buôn bán. Trong chợ, “người Thổ và người Tàu” chen chân mua bán nhộn nhịp. Hàng hóa rất phong phú với nông sản, nông cụ, đồ trang sức, nón lá, vàng hương, đồ đựng bằng gốm, thuốc lá, thuốc lào, hàng tạp hóa…
Dấu ấn văn hóa vật chất của phố Kỳ Lừa khi đó còn là các công trình văn hóa tín ngưỡng, dân sinh, trong đó nhiều kiến trúc mang đậm sắc màu văn hóa Trung Hoa. Ngay giữa trung tâm phố chợ có đền Tả Phủ, được xây dựng năm 1683 thờ Tả đô đốc, Hán quận công Thân Công Tài – người đã khai mở, lập nên phố chợ Kỳ Lừa tạo điều kiện cho Nhân dân hai nước làm ăn, buôn bán. Cũng nơi đây có đền Bắc Đế, đền Quan Công – những vị Thánh được thờ rất phổ biến trong tín ngưỡng của người Hoa. Về sau, đền Quan Công được xây cất, mở mang trở thành hội quán Kỳ Lừa – nơi thờ cúng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Hoa ở đây. Gần đó từng có một chiếc cầu đá cổ bắc qua suối, hiện chỉ còn một tấm bia hình tứ diện lập năm 1724 ghi việc làm cầu. Xa hơn một chút là đền Kỳ Cùng thờ thần sông – một trong số 17 ngôi đền thiêng của trấn hạt, được xây dựng quy củ vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII). Các sứ thần đi qua đều phải vào yết cáo. Ngày nay, di sản văn hóa vật chất của phố Kỳ Lừa được bồi đắp ngày càng dày thêm bởi sự góp mặt của các di tích lịch sử cách mạng và di tích tín ngưỡng mới như nhà số 8 phố Chính Cai (ghi dấu cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ), đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo…
Không chỉ hội tụ những giá trị vật chất tiêu biểu, đây cũng là nơi bảo lưu những giá trị văn hóa tinh thần rất đặc sắc. Đó là tục lệ, tín ngưỡng thờ cúng đối với người có công với dân, với nước: Thân Công Tài, Đức Thánh Trần Hưng Đạo… Gắn với tín ngưỡng trên là các lễ hội được coi là có quy mô lớn vào bậc nhất của Xứ Lạng, kéo dài từ 22 đến 27 tháng Giêng hằng năm: hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, hội Đầu pháo Kỳ Lừa, hội chợ Kỳ Lừa… Không gian phố chợ trở thành nơi kết tụ, hiển thị bản sắc văn hóa dân tộc một cách vô cùng rõ nét thông qua sắc màu trang phục truyền thống, nghi lễ rước xách, các trò chơi, trò diễn dân gian, những làn điệu dân ca, dân vũ của người Tày, Nùng… Trong những bức ảnh tư liệu từ cuối thế kỷ XIX, chúng ta được thấy không khí tưng bừng, náo nhiệt của lễ hội truyền thống qua những đám rước của người Hoa ở trong chợ. Không chỉ vậy, phố chợ còn là nơi lắng đọng những lớp trầm tích văn hóa nhiều thời kỳ của cộng đồng dân cư sinh sống ở đây. Có thể coi chợ Kỳ Lừa là “chiếc nôi” của nhiều nghề gia truyền nổi tiếng, những món ăn đặc sản thuộc hàng tinh hoa ẩm thực của Xứ Lạng như: lợn quay, vịt quay, phở chua, khau nhục, bánh cao xằng, bánh cuốn trứng, bánh áp chao… Chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nơi gặp gỡ, giao duyên của nam nữ thanh niên Tày, Nùng trong những ngày chợ phiên. Hội chợ Kỳ Lừa – hội hát giao duyên của người Nùng (trùng ngày hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ) đã trở thành một điểm nhấn độc đáo trong bức tranh văn hóa truyền thống đa sắc của Xứ Lạng.
Trong lịch sử, phố chợ nơi miền biên cương Xứ Lạng từng là đề tài, trào lưu sáng tác của các thi nhân – sứ giả thời kỳ Trung đại mỗi khi có dịp qua đây. Kỳ Lừa bước vào thơ văn của nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng: Nguyễn Tông Khuê (Nguyễn Tông Quai, 1693 -1767), Ninh Tốn (1744-1795), Phan Huy Chú (1782-1840 )… với vẻ tấp nập, phồn hoa, thịnh vượng:
Kỳ Lừa rợp bóng cây êm
Cửa the nhà gấm vây thêm tứ bề
Khách thương buôn bán đi về
Cửa thông hai nước chợ lề sáu phiên
(Sứ trình tân truyện – Nguyễn Tông Khuê)
Những áng thơ, văn đó cũng chính là những di sản văn hóa tinh thần quý giá cha ông ta để lại cho đời sau. Có thể nói, Kỳ Lừa đã cho chúng ta những nhận thức vô cùng sâu sắc về quá trình phát triển đô thị, giao thương, giao thoa văn hóa ở miền biên cương địa đầu Tổ quốc./.