Vĩnh Phúc đẩy mạnh khai thác các tour du lịch vùng quê
Du khách đến với Thiền viện Tây Thiên dịp đầu Xuân. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Nếu như năm 2016, Vĩnh Phúc đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó có 28.000 lượt khách quốc tế, đến năm 2018, toàn tỉnh đón 5,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 40.200 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.670 tỷ đồng.
Vĩnh Phúc đang hướng tới mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, trong đó có 43.500 lượt khách quốc tế và tổng doanh thu du lịch đạt 1.910 tỷ đồng trong năm 2019.
Những chỉ tiêu và mục tiêu đặt ra Vĩnh Phúc có thể thực hiện được bởi lượng du khách thời gian qua đến với Vĩnh Phúc tăng nhanh, các loại hình dịch dụ cho du lịch của tỉnh phát triển đa dạng, phong phú.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đón khoảng 4,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 17% so với cùng kỳ 2018, trong đó có khoảng 39.000 lượt khách quốc tế.
Tổng doanh thu từ du lịch 9 tháng đầu năm nay ước đạt 1.380 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an ninh trật tự; yêu cầu các nhà hàng, các địa điểm vui chơi, các cơ sở lưu trú niêm yết các loại hàng hóa, dịch vụ, không tăng giá dịch vụ mỗi khi mùa du lịch đến và du khách dồn về đông.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách; chèo kéo, ép khách; tăng cường kiểm tra các chỉ dẫn cảnh báo nguy hiểm, biện pháp cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch.
Tỉnh yêu cầu các địa phương có điểm du lịch được nhiều người quan tâm tổ chức các lực lượng dọn dẹp vật liệu và phế liệu xây dựng, trả lại sự phong quang cho các tuyến đường, vườn hoa, vệ sinh các khu vực công cộng.
Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, các nhà hàng, khách sạn thực hiện tốt vấn đề vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho du khách ăn uống tại các cơ sở.
Vĩnh Phúc tập trung phát triển du lịch theo các hướng chính như phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp, phát triển đồng bộ các khu du lịch gắn với khai thác các tour du lịch vùng quê nhằm đánh thức tiềm năng du lịch sẵn có ở các địa phương.
Tại thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo) từ năm 2017 đến nay có hơn 10 gia đình trẻ đã cải tạo diện tích nhà ở của mình để kinh doanh dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) phát huy hiệu quả tốt, thu hút nhiều du khách trẻ.
Nhờ kinh doanh loại hình dịch vụ lưu trú này, nhiều gia đình thu về hàng chục triệu đồng/tháng./.