Hoạt động của ngành

Kim Sơn (Ninh Bình) quản lý và phát huy giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa

Cập nhật: 15/02/2019 09:40:01
Số lần đọc: 2094
  Trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có 35 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh và gần 70 di tích chưa xếp hạng. Hệ thống di tích lịch sử và di sản văn hóa phi vật thể của huyện khá phong phú, bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian… Thực tế đó đòi hỏi công tác quản lý và phát huy các giá trị di tích, di sản cần được quan tâm, thực hiện tốt.


Lớp dạy ca trù tại sân đền thờ Nguyễn Công Trứ.

Cây đa trước cổng UBND xã Như Hòa (người dân quen gọi là cây đa Như Hòa) là cây di sản có quá trình gắn bó với sự hình thành và phát triển của huyện Kim Sơn. Ông Bùi Ngọc Đáng, 75 tuổi, xóm 5, xã Như Hòa-người trực tiếp chăm sóc cây đa trong thời gian hơn chục năm trở lại đây cho biết: Trước đây vùng đất Như Hòa có tên là Hùng Vương, qua gần 190 năm xây dựng và phát triển, xã Như Hòa hiện được chia thành 3 làng: Hòa Lạc, Tuần Lễ và Như Độ. Theo sự đổi thay của thời gian, diện mạo xã Như Hòa đã có nhiều đổi mới, nhưng đối với người dân nơi đây, cây đa Như Hòa vẫn là một trong những biểu tượng đầu tiên khiến mỗi người dân đi xa nhớ về quê hương. Người địa phương không ai biết cây đa có từ bao giờ, những cụ cao niên cũng không thể ước tính được khoảng thời gian nào, nhưng tất cả đều chắc chắn một điều, tuổi thọ của cây đa phải từ 100 năm trở lên.

Cũng theo ông Đáng, cây đa Như Hòa trước kia thuộc khu văn chỉ của huyện Kim Sơn từ thủa cụ Nguyễn Công Trứ khai hoang, mở đất; là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương. Sau đó do chiến tranh và sự thay đổi của thời cuộc, khu văn chỉ không còn, chỉ còn cây đa sừng sững tỏa bóng mát quanh năm, trở thành biểu tượng tinh thần cho vùng đất này. Cây đa Như Hòa hiện cao trên 10m, tán rộng 20m, gốc cây to phải đến chục người ôm. Bộ rễ của cây từng bị sâu, mục rỗng, nhưng với mong muốn giữ gìn những giá trị truyền thống của quê hương, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Đáng cùng với nhiều người dân đã bỏ công sức chăm sóc, duy trì sự sống và bảo vệ cây đa cổ thụ. Hiện cây đa cổ thụ được tôn tạo, làm bồn bao quanh, vững chãi phát triển sừng sững, xanh tốt, đẹp mắt trước cổng UBND xã Như Hòa. Hiện nay, cùng với định hướng chung trong sự phát triển, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của xã Như Hòa, chính quyền xã đã có sự quan tâm đầu tư và tôn tạo cảnh quan cho cây đa Như Hòa và 3 di tích lịch sử trên địa bàn là Đền làng Như Độ, miếu làng Tuần Lễ và Nhà thờ Vũ Văn Kế, nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống, tâm linh cho đời sau.

Đồng chí Hoàng Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm, đặc biệt là nhân dân nơi có di tích, đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân và du khách về tham quan, chiêm bái. Các di tích được xếp hạng đều đã thành lập Ban quản lý, có quy chế hoạt động; công tác bảo vệ tại di tích được quan tâm, nhiều di tích đã có sơ đồ chỉ dẫn, bảng giới thiệu khái quát lịch sử hình thành di tích, về nhân vật thờ,... để mỗi người dân đến tham quan, chiêm bái tìm hiểu, nắm bắt được thông tin. Công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đang từng bước được khôi phục lại nhằm bảo tồn, gìn giữ và kế thừa các di sản văn hóa của dân tộc, của cha ông để lại.

Toàn huyện hiện có 35 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh và gần 70 di tích chưa xếp hạng. Các di tích cấp quốc gia tiêu biểu trên địa bàn huyện như: Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Miếu và chùa Lạc Thiện (xã Quang Thiện); Đình Thượng Kiệm (xã Thượng Kiệm); Đền Chất Thành (xã Chất Bình); Đền Như Độ (xã Như Hòa); Nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm)... Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là nhân dân nơi có di tích đã chủ động huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tu bổ, tôn tạo di tích. Công tác trùng tu, tôn tạo di tích đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của Luật Di sản văn hóa và yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích. Cùng với đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể tại các di tích, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đang từng bước được khôi phục lại, như mở lớp dạy hát văn, hát chèo; đặc biệt tháng 8/2018, huyện Kim Sơn đã mở lớp dạy hát ca trù tại di tích lịch sử Quốc gia - Đền thờ Nguyễn Công Trứ...

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn Hoàng Văn Phương, để việc quản lý nhà nước về di tích trong thời gian tới có hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân nơi có di tích cần có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa của di tích. Trong đó cần xây dựng quy chế quản lý, hoạt động và sử dụng tiền công đức để tu bổ, tôn tạo di tích và các hoạt động lễ hội khác; quan tâm đảm bảo vệ sinh môi trường cảnh quan, không tự ý đưa các hiện vật lạ, ngoại lai vào di tích... Đặc biệt, cần quan tâm đến công tác tổ chức các hoạt động lễ hội vào dịp đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, chỉ đạo Ban quản lý, Ban khánh tiết các di tích thành lập Ban Tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức lễ hội, phần lễ tổ chức đúng với các quy định của Nhà nước, phần hội tổ chức phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, khuyến khích tổ chức các trò chơi dân gian, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục