Non nước Việt Nam

Lan tỏa nét đẹp ca trù Chanh Thôn ở huyện Phú Xuyên - Hà Nội

Cập nhật: 25/06/2020 10:05:38
Số lần đọc: 1537
  Nghệ thuật ca trù ở xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên) đã đi vào cuộc sống, thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Qua đó, môn nghệ thuật truyền thống - cũng là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại phát triển mạnh mẽ trở lại, lan tỏa nét đẹp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương.


Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn, xã Nam Tiến (huyện Phú Xuyên) thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Ảnh: Bạch Thanh

Gìn giữ “vốn quý”

Giữa nắng hè oi ả, hầm hập nhưng với tình yêu làn điệu ca trù của quê hương, các thành viên trong Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn (xã Nam Tiến) vẫn duy trì tập luyện đều đặn. Với họ, đến với ca trù là được trải lòng, được thể hiện đam mê, gìn giữ làn điệu đẹp của ông cha để lại…

Một trong những người đã có công bảo tồn những làn điệu ca trù ở vùng đất này là bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn. Bà Ngoan cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các thành viên câu lạc bộ đã cố gắng trang bị đầy đủ nhạc cụ phục vụ việc hát ca trù như: Đàn đáy, trống chầu, phách... Mong muốn những làn điệu được lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, câu lạc bộ mở được nhiều lớp học hát ca trù cho thế hệ trẻ. “Với những người lớn tuổi như chúng tôi, việc truyền lại làn điệu ca trù cho các ca nương trẻ chính là niềm vui, làm cho cuộc sống có thêm ý nghĩa...”, bà Ngoan bày tỏ.

Còn nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu năm nay đã ngoài 90 tuổi chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: “Có thời gian dài, tôi nghĩ ca trù đã hết thời nhưng thật may mắn, nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của địa phương, sự gắn kết chung tay của nhiều người mà môn nghệ thuật này đã hồi sinh ở Chanh Thôn. Như một vốn quý, làn điệu này đã gắn kết, kéo mọi người đến gần nhau hơn và cùng hướng thiện...”.

Là loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo, vừa đậm tính dân gian, vừa uyên bác, hàn lâm trong cả lời ca, điệu nhạc, do vậy, ca trù khá kén người nghe và cũng gian nan trong việc tìm người hội tụ đủ điều kiện để theo học. Nhưng trở ngại này ở Chanh Thôn đã được khỏa lấp bởi tình yêu ca trù của người dân nơi đây thu hút nhiều người trẻ học. Dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội, lớp trẻ hiện nay còn đặt lời mới cho các thể cách ca trù, đưa âm hưởng của đời sống hiện tại vào lời hát. Những ca từ về phong trào xây dựng nông thôn mới, ca ngợi làng quê đẹp giàu, tình làng, nghĩa xóm... đã góp thêm sức sống mới cho những làn điệu cổ.

Tạo dựng môi trường sống lành mạnh

Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn đến nay đã có hơn 30 thành viên cốt cán cùng truyền dạy ca trù. Hơn chục năm qua, câu lạc bộ đã mở được 15 lớp học, truyền nghề cho hơn 150 người. Song song với việc “đào tạo nghề”, đưa ca trù vào đời sống cộng đồng, câu lạc bộ còn tổ chức nhiều buổi biểu diễn ở địa phương, đồng thời tham gia các hội thi và đã đạt được nhiều giải thưởng, bằng khen...

Cũng phải nói thêm, từ những buổi học ca trù miễn phí, ở Chanh Thôn đã xuất hiện những ca nương trẻ đầy tài năng. Ví như ca nương Nguyễn Thị Thu, thành viên câu lạc bộ rất nổi tiếng tại các hội diễn với khúc “Tang Bồng” của danh nhân Nguyễn Công Trứ. Với âm hưởng miên man, trầm bổng bay lên từ chất giọng trong trẻo, sâu lắng của ca nương 14 tuổi này, nhiều người có chung cảm nhận, nghệ thuật ca trù sẽ còn bám rễ, ăn sâu hơn nữa trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Nam Tiến.

Không đơn thuần là câu chuyện về văn hóa, văn nghệ, việc lưu giữ và lan tỏa những làn điệu ca trù nơi đây còn gắn với việc xây dựng đời sống văn hóa, tạo không khí vui tươi, phấn khởi với người dân, qua đó đẩy lùi các tệ nạn tiêu cực. Chủ tịch UBND xã Nam Tiến Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Nam Tiến đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó tiêu chí về văn hóa được đánh giá rất cao. Từ điển hình của câu lạc bộ ca trù này, việc lưu giữ những nét văn hóa đẹp của quê hương đã được người dân chú trọng. Mặt khác, hoạt động của câu lạc bộ ca trù đã giúp cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cũng như các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ hơn, sâu hơn về trách nhiệm, nhiệm vụ gìn giữ nét đẹp truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng, đưa Nam Tiến trở thành miền quê nói không với tệ nạn xã hội...”.

Cùng chung cách nhìn nhận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá: Việc duy trì nghệ thuật ca trù, thu hút thế hệ trẻ tham gia, đủ sức kế cận như ở Nam Tiến thực sự đáng quý. Đây là việc làm thiết thực vừa bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của quê hương, vừa tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nghệ thuật ca trù đã ngấm sâu vào cuộc sống của người Chanh Thôn trong nhiều năm qua. Không chỉ được bảo tồn, truyền lại cho các thế hệ sau, loại hình ca trù ở Nam Tiến còn ngày càng phát triển, lan tỏa nét đẹp sang nhiều địa phương khác của huyện Phú Xuyên./.

Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT