Hoạt động của ngành

TP. Bạc Liêu: Xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc thù

Cập nhật: 23/12/2021 05:00:50
Số lần đọc: 692
Với mục tiêu xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và góp phần xây dựng Bạc Liêu là một trong những trung tâm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP. Bạc Liêu sẽ tập trung dồn lực khôi phục lại hoạt động du lịch gắn với phát triển, nâng chất các sản phẩm du lịch đặc thù.  


Biểu diễn đờn ca tài tử ở vườn nhãn cổ và múa Khmer ở chùa Xiêm Cán phục vụ khách du lịch.

Tăng cường kích cầu du lịch

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên ngành Du lịch TP. Bạc Liêu gặp nhiều khó khăn, lượng khách và doanh thu dịch vụ du lịch giảm mạnh so với kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, thành phố đón khoảng 908.000 lượt khách, đạt 41,2% so với kế hoạch và cho tổng doanh thu dịch vụ - du lịch đạt khoảng 750 tỷ đồng. Đến cuối năm, doanh thu dịch vụ - du lịch thành phố phấn đấu đạt khoảng 900 tỷ đồng và đón tiếp khoảng 1,1 triệu lượt khách.

Thời gian qua, TP. Bạc Liêu đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch khẩn trương thực hiện việc đăng ký và tự đánh giá an toàn dịch COVID-19, cài đặt mã QR theo hướng dẫn của Bộ VHTTDL; làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố để nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó có ngay những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo kế hoạch phát triển du lịch năm 2022, TP. Bạc Liêu sẽ tăng cường các giải pháp kích cầu du lịch để phục hồi và phát triển ngành Du lịch trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 tương đối ổn định. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch và triển khai có hiệu quả phần mềm du lịch chuyển đổi số để quảng bá du lịch thành phố đến với du khách trong và ngoài nước…

Hát cúng lễ Kỳ yên tại Tiên sư cổ miếu (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Lâm Hỷ (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp)

Xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn

Để tạo ra thế mạnh đặc thù và xây dựng nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong, ngoài nước, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Bạc Liêu. Cụ thể là phát triển du lịch văn hóa gắn với khai thác giá trị bản “Dạ cổ hoài lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Mục tiêu là tạo thành các sản phẩm trải nghiệm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử ra đời của khúc nhạc lòng bất hủ này, tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; khai thác có hiệu quả Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - sản phẩm du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đầu tiên của khu vực ĐBSCL.

Đặc biệt là phát triển du lịch gắn với thương hiệu Công tử Bạc Liêu, với mục tiêu là tạo thành các sản phẩm đặc thù hấp dẫn khách du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị lịch sử gắn liền với những giai thoại ăn chơi nức tiếng và hào phóng của Công tử Bạc Liêu như: đốt tiền nấu trứng, tổ chức đấu xảo sắc đẹp, dùng máy bay thăm ruộng… và cả các món ăn ngon của Hắc Công tử.

Riêng du lịch văn hóa tâm linh thì sẽ tập trung khai thác những giá trị văn hóa tâm linh để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có tính độc đáo và hấp dẫn, nhất là phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại các cơ sở tôn giáo có sức ảnh hưởng và tạo thành thương hiệu trong khu vực và cả nước như: Khu Quán âm Phật đài, chùa Xiêm Cán, Thiền viện Trúc Lâm và các di tích lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật gắn với các lễ hội dân gian độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer và Hoa. Trong đó, mục tiêu quan trọng là tập trung công tác bảo tồn, phát huy và khai thác phát triển du lịch tại di tích lịch sử cấp quốc gia, các lễ hội truyền thống như: lễ hội Quán âm Nam Hải, lễ Kỳ yên, lễ hội Dạ cổ hoài lang…

Thành phố cũng sẽ tiếp tục khai thác giá trị công trình Quảng trường Hùng Vương và những công trình văn hóa - nghệ thuật xung quanh Quảng trường để phát triển du lịch. Ngoài ra, sẽ phát triển du lịch tham quan điện gió gắn với hệ sinh thái rừng ven biển để hình thành và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái có tính độc đáo, đặc trưng và có sức hấp dẫn. Cùng với đó là gắn phát triển du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng ven biển thông qua tận dụng tối đa lợi thế về biển, về rừng, vườn nhãn cổ để phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, sinh hoạt cộng đồng, kết hợp với tham quan, trải nghiệm mô hình các trang trại sinh thái nông nghiệp như: làm muối, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…

Tú Anh

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục