Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Điểm hẹn nghệ thuật
Festival lần đầu tiên được tổ chức tại Bình Định có sự tham gia biểu diễn của bốn đoàn nghệ thuật trong nước và hai đoàn quốc tế. Mỗi đoàn một vẻ, sẽ mang đến Festival những nét văn hóa đặc trưng từ địa phương mình.
Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, cho biết Nhà hát sẽ mang đến giới thiệu tại Festival hai thể loại chính, mang nét riêng của nghệ thuật cung đình Huế, là nhã nhạc và ca múa cung đình. Đoàn gồm 45 nghệ sĩ, nhạc công; biểu diễn 8 tiết mục, gồm đại nhạc “Tam luân cửu chuyển”, tiểu nhạc “Thập thủ liên hoàn”, song tấu kèn trống và năm điệu múa.
Còn Đoàn Nghệ thuật Đam San (Gia Lai) gồm 45 nghệ sĩ, diễn viên sẽ biểu diễn 7 tiết mục, gồm các ca khúc đậm chất Tây Nguyên qua các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến; cùng những điệu múa Bahnar.
13 tiết mục về miền đất phương Nam gồm những bài dân ca Nam bộ ngọt ngào, đằm thắm hay màn độc tấu sáo trúc, độc tấu đàn bầu… của Đoàn Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh) sẽ phần nào phác họa nên nét tính cách phóng khoáng, chất phác, hồn nhiên của người dân Nam bộ.
Nói về chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Ca múa nhạc tỉnh Tiền Giang, NSƯT Nguyễn Chí Thiện, Trưởng đoàn, “bật mí”: Đoàn đã lên hai chương trình, mỗi chương trình 13 tiết mục, gồm các thể loại hát, múa và ca cổ. Trong đó, sẽ dành một chương trình để giới thiệu về đất và người của miền sông nước Tiền Giang. Những bản đờn ca tài tử sẽ được ngân vang trên quê hương tuồng, nhằm thể hiện sự giao lưu văn hóa đầy ý nghĩa trong một ngày hội lớn.
Hai đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự Festival là Đoàn Nhà hát Chongdong (thuộc Bộ Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc) và Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào sẽ trình diễn các tiết mục hát múa đặc sắc cùng nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Đoàn Nhà hát Chongdong với 25 nhạc công, nghệ sĩ, tham gia biểu diễn 5 tiết mục, gồm múa và biểu diễn nhạc cụ. Trong đó, đáng chú ý là tiết mục Giak Hapju, khi 8 loại nhạc cụ truyền thống độc đáo nhất của các tỉnh miền nam xứ sở kim chi được trình tấu.
Về phần mình, Đoàn Nghệ thuật Quốc gia Lào sẽ mang đến Festival 10 tiết mục. Ông Duangmixay Likaya, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lào, cho biết, chương trình biểu diễn của đoàn đã được chọn lọc rất kỹ và tập luyện công phu. “Các tiết mục gồm toàn những “đặc sản” của Lào. Ngoài ra, chúng tôi còn mang đến Festival bài múa “Việt - Lào tình sâu nghĩa nặng”, nhằm ngợi ca tình đoàn kết, hữu nghị khăng khít giữa hai nước” - ông Duangmixay nói.
Hiện tại, tất cả các đoàn nghệ thuật trên đã hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng và đến ngày 29/7 sẽ có mặt tại Bình Định. Ngay sau đó, cùng với hai đoàn nghệ thuật truyền thống trong tỉnh, các đoàn sẽ bắt đầu biểu diễn từ ngày 30/7 đến hết ngày 03/8.
Cụ thể, các đoàn sẽ tham gia biểu diễn tại Lễ khai mạc Festival (Quy Nhơn), Lễ Rước Hoàng đế Quang Trung và Văn thần, Võ tướng nhập điện (Bảo tàng Quang Trung- Tây Sơn), Đêm hoa đăng trên đầm Thị Nại, Đêm thơ Hàn Mạc Tử - Xuân Diệu tại Ghềnh Ráng và Lễ bế mạc Festival. Ngoài ra, các đoàn cũng sẽ biểu diễn tại một số sân khấu ở Quảng trường trước Bảo tàng Quang Trung và Khu sinh hoạt văn hóa xã Tây Giang (Tây Sơn); Nhà Văn hóa An Nhơn và Sân vận động thị trấn Bình Định (An Nhơn); Nhà Văn hóa Xuân Diệu (Tuy Phước); Quảng trường trước Tượng đài Chiến thắng, Trung tâm Văn hóa - Thông tin Bình Định, Công viên Di tích Văn hóa Tháp Đôi (Quy Nhơn).
Cùng thời gian này, 11 đoàn nghệ thuật tuồng không chuyên trong tỉnh và đoàn bài chòi cổ dân gian sẽ biểu diễn tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão, Vân Canh và Vĩnh Thạnh.