Hành trang lữ khách

Hòn Nghệ (Kiên Giang) - Nguyên vẹn nét đẹp hoang sơ

Cập nhật: 08/05/2008 10:05:39
Số lần đọc: 2542
Từ bãi tắm chùa Hang-Kiên Lương nhìn ra phía Tây, Hòn Nghệ cách bờ chừng 20 km như một con kình ngư đang phơi mình giữa đại dương, một vùng biển có đến 140 hòn đảo lớn nhỏ, đẹp đến mê hồn.

Sau hơn 90 phút lướt sóng tàu đã đưa chúng tôi tới đảo Tàu vừa cặp bến, ấn tượng đầu tiên đến với chúng tôi là tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cao 20 mét sừng sững trên bệ đá uy nghi, mặt quay về làng chài ở phía Đông, cách Liên Tôn cổ tự chừng 100 mét. Ngọn núi này còn có tên là Hoàng Long Đảo với nhiều vách đá cheo leo, nhiều dáng cây xiêu phong thác đổ chẳng khác nào một tuyệt tác của thiên nhiên.

Đảo Hòn Nghệ gồm hai khu vực chính là ấp Bãi Nam và Bãi Chướng. Từ tượng Phật Quan Âm nhìn xuống Bãi Nam ta có cảm giác như đứng trước một ngư cảng sầm uất, tàu bè chen kín, ghe xuồng nhộn nhịp, náo nức từ sáng đến chiều.

Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức gọi Hòn Nghệ là Uất Kim Dữ, chu vi 20 dặm ở về phía Nam của trấn Hà Tiên. Người Pháp gọi Hòn Nghệ là Pô lô-Te-Kere. Các bậc lão ngư kể rằng nơi đây xưa kia chỉ là một hòn đảo hoang vắng, dân cư thưa thớt nhưng nhờ mưa thuận gió hòa và cá tôm vô số kể nên bà con ra đảo sinh sống ngày càng đông, nhất là từ sau năm 1975. Tính đến nay dân trên đảo có tới 2.114 người, đa số sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Nổi tiếng nhất là nghề nuôi cá bống mú (130 bè) và nghề đánh mực ngoài khơi (gần 100 tàu).

Hiện nay, còn nhiều người chưa biết đến du lịch Hòn Nghệ nhưng những du khách đã một lần đến đều công nhận đây là một khu tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lý tưởng nhờ khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, đặc biệt là hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng... hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng. Bước vào Liên Tôn cổ tự, mọi người sẽ ngạc nhiên trước những gốc cổ thụ uy nghi và những hang động kỳ thú ẩn sâu trong lòng núi với nhiều vòm cao giống như những tòa lâu đài cổ kính, hấp dẫn nhất là những thạch nhũ, hình dáng kỳ ảo không thua gì chùa Hang, núi Đá Dựng và Thạch Động-Kiên Giang. Càng khám phá, du khách càng thích thú, muốn vào hang động Phật Cô Đơn, điện Sư tổ Đạt Ma hoặc hang Gia Long mọi người phải lần qua nhiều vách đá chông chênh, nhiều ngõ ngách thâm u. Nơi đây hiện còn ghi dấu một vài huyền thoại lịch sử mà dân gian đã lưu truyền, chẳng hạn như dấu ấn và chiếc giường của vua Gia Long ... Có một số hang động đâm thẳng ra biển hoặc ăn thông lên đỉnh giống như một “cổng trời” cho ánh sáng tràn vào, chảy dài lung linh trên những vách đá. Những rễ cây ngoằn ngoèo có hình dáng cổ quái khiến du khách ngỡ như lạc vào một cấm thành hoang phế tự ngàn xưa. Đứng từ cửa hang phóng tầm mắt ra khơi, tai nghe tiếng lá rì rào cùng gió biển, ai cũng cảm thấy khoan khoái nhẹ nhàng, bỏ lại sau lưng tất cả những mệt nhọc và phiền muộn lo âu.

Đến với Hòn Nghệ, ngoài việc chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên kỳ thú với nhiều thảm thực vật nguyên sơ, chúng ta còn nghe được tiếng chim rừng véo von ngắm nhìn những đàn sáo, đàn sóc đuôi trắng nhảy nhót trên cành. Chim, thú ở đây còn khá nhiều, phổ biến nhất là sáo, cu, cưỡng, tu hú, bìm bịp, chích chòe, kỳ đà, sóc, cà cuốc... Đặc biệt là giống chim “lấu lấu”, chúng thường hay gọi bầy vào lúc mặt trời xuống núi và khi bình minh vừa ló dạng. Tiếng hót của “lấu lấu” thật trong, thật xa và cao vút như một bản hòa tấu làm vang động cả núi rừng khiến cho mọi người say đắm.

Chiều đến khách có thể thuê một chiếc xuồng bơi dọc theo bãi để câu cá, lượm vỏ ốc hoặc làm quen với các ngư dân để tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, tôn giáo và nếp sinh hoạt của người xứ đảo - một “thành phố chài”. Tối về khách có thể vào chùa hoặc nhà dân xin trọ qua đêm vì bà con ở đảo rất hiếu khách, còn cổng chùa thì lúc nào cũng mở rộng.

Hiện nay, tại đảo đã có nước sinh hoạt, có điện (từ 6 giờ đến 23 giờ), các công trình hạ tầng cơ sở cũng ngày một hoàn thiện hơn. Một số quán ăn đã đưa các đặc sản biển vào thực đơn phục vụ cho khách tham quan.

Những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ của một làng chài hội tụ nhiều yếu tố du lịch sinh thái hãy đến bến tàu Ba Hòn, mỗi ngày có 2 chuyến ra khơi: 11 giờ 30 phút và 12 giờ.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục