Hoạt động của ngành

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở Tứ Yên (Vĩnh Phúc)

Cập nhật: 27/05/2020 13:44:31
Số lần đọc: 1153
Nằm ở ven sông vùng đất phía Nam huyện Sông Lô, từ lâu, xã Tứ Yên được biết đến là miền quê địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với đình Yên Lập, chùa Sơn Long cổ kính; Lễ hội Bơi chải nức tiếng gần xa và di tích lịch sử hồ Điển Triệt hào hùng... Nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, những năm gần đây, chính quyền và nhân dân xã Tứ Yên đặc biệt chú trọng, quan tâm việc đầu tư, tôn tạo, phục dựng, góp phần vào bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh và sự phát triển KT-XH của địa phương.

Hàng năm, Lễ hội Bơi chải xã Tứ Yên thu hút đông đảo người dân đến cổ vũ. Ảnh: Thế Hùng

Theo lịch sử ghi lại, năm 544 trước sự tấn công của quân Lương, vua Lý Nam Đế (Lý Bí) từ Long Biên (Hà Nội) rút lực lượng về xây dựng căn cứ ở miền rừng núi Lập Thạch, sau đó đem quân ra mai phục ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên) để giao chiến với quân giặc.

Tại đây, diễn ra trận thủy chiến vang dội với quân giặc, song do quân ta lực lượng còn non yếu nên thất bại. Song, cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đã để lại những dấu tích hào hùng trên mảnh đất Tứ Yên, khiến mỗi người dân ở các thôn Yên Lương, Yên Lập, Yên Mỹ, Yên Phú dù đang học tập, công tác, lao động, sinh sống ở đâu cũng luôn cảm thấy tự hào về quê hương, xứ sở của mình.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cách đây 400 - 500 năm, người dân Tứ Yên đã dựng đình, miếu để thờ cúng, tưởng nhớ và tôn vinh vua Lý Nam Đế và Đức Thánh Tản Viên. Hàng năm, ngoài việc tế lễ, người dân trong làng tổ chức rước kiệu và lễ hội bơi chải.

Vào các ngày mùng 6, mùng 7 tháng Giêng âm lịch, làng mở lễ hội cầu đinh; kiệu 2 làng Yên Lương và Yên Lập rước Thánh Tản viên xuống Miếu Nghè nơi thờ vua Lý Nam Đế để tế lễ ở đó. Vào các ngày 25, 26, 27 tháng 5 âm lịch, hai làng mở hội thi bơi chải.

Chải của 2 làng sóng hàng trước cửa đình Yên Lập rồi bơi vòng quanh Soi Rạng sau khi có hiệu lệnh xuất phát. Cuộc thi bơi năm nào cũng thu hút sự chú ý, theo dõi của hàng nghìn người đứng xem và cổ vũ. Những màn rượt đuổi đầy kịch tính, những đường bẻ cua, cắt góc đầy điêu luyện của những con người dày dặn kinh nghiệm, cống hiến cho khán giả những hình ảnh tuyệt đẹp trên sông.

Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Yên Dương Tiến Liên cho biết: "Lễ hội bơi chải cuối cùng được tổ chức vào tháng 5/1946, sau đó nhân dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, đình làng, chải cũng bị đốt, phá.

Tới năm 2001, khi có chủ trương của Đảng và Nhà nước cho phép khôi phục, tu tạo lại các đền, đình, chùa, lễ hội truyền thống được khôi phục lại bằng sự đóng góp của nhân dân và những người con xa quê hương đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước, sự cung tiến của các nhà hảo tâm.

Đầu năm 2004, đình Yên Lập được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Từ đó đến nay, việc tổ chức tế, lễ hàng năm đều được duy trì nhằm tri ân đối với các vị anh hùng có công với đất nước.

Đặc biệt, năm 2009, được sự quan tâm của tỉnh, Sở VH-TT&DL đã hỗ trợ kinh phí đóng 3 chiếc thuyền chải. Năm 2010, sau 64 năm gián đoạn, lễ hội bơi chải truyền thống được tổ chức trở lại, khơi dậy các giá trị văn hóa tốt đẹp, nói lên tinh thần thượng võ của dân tộc, nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của địa phương; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Gần đây, nhân dân 3 thôn Yên Lập, Yên Kiều, Yên Mỹ cùng nhân dân trong xã đã đóng góp sắm được kiệu Bát cống trị giá hơn 30 triệu đồng, xây dựng cổng đình với số tiền hơn 20 triệu đồng cùng với những bức hoành phi, câu đối cùng nhiều dụng cụ, đồ tế lễ trị giá hàng trăm triệu đồng.

Cùng với việc phục dựng các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, Đảng ủy, chính quyền xã Tứ Yên quan tâm, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa ở các thôn. Nhờ đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Phó Chủ nhiệm CLB Văn hóa - Văn nghệ Đình Yên Lập Hà Thị Quý cho biết: “Bên cạnh các buổi sinh hoạt định kỳ, CLB cũng thường xuyên tham gia giao lưu với các CLB Hội Người cao tuổi ở các địa phương lân cận. Qua đó, không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho các hội viên mà còn góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...”

Mới đây, tháng 1/2020, hồ Điển Triệt được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh góp phần tô điểm sự phong phú, đa dạng của xã Tứ Yên nói riêng, huyện Sông Lô nói riêng.

Lưu Nhung

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Cùng chuyên mục