Hoạt động của ngành

Cơ hội phát triển du lịch cho các địa phương

Cập nhật: 27/11/2020 15:11:30
Số lần đọc: 1104
Khi ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì liên kết cùng phát triển là yếu tố sống còn để kích cầu du lịch phục hồi. Sự liên kết hợp tác giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã mở ra cơ hội phát triển du lịch bền vững cho các địa phương.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng ký kết liên kết phát triển du lịch.

Liên kết để phát triển

Nhiều năm liền Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lượng khách nước ngoài và nội địa. Riêng năm 2019, thành phố này đã đón hơn 41 triệu lượt khách (trong đó có 8,6 triệu lượt khách nước ngoài), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 140 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm Lào Cai, Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) được biết đến là vùng đất có nhiều danh thắng tuyệt đẹp, như danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, thung lũng Mai Châu, đỉnh Fansipan - “nóc nhà Đông Dương”… Tây Bắc còn thu hút bởi các giá trị văn hóa nổi bật như di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ, các di tích lịch sử quốc gia (Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Khu di tích Nhà tù Sơn La, Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ…). Tất cả những yếu tố đó hòa quyện tạo nên sức sống mãnh liệt cho vùng đất này. Chính vì thế, nơi đây phù hợp để phát triển các loại hình du lịch như sinh thái, cộng đồng, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng…

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Liên kết là xu hướng tất yếu và cần thiết trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia cũng như mỗi địa phương. Liên kết để tạo ra sự bứt phá, để vươn lên và cùng nhau phát triển. Đặc biệt, đối với ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc, liên kết càng có ý nghĩa quan trọng hơn, bởi lẽ trong 10 tháng năm 2020, tổng số khách du lịch đến Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019 và du khách đến 8 tỉnh Tây Bắc chỉ đạt 7,6 triệu lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Với những lợi thế cạnh tranh riêng, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hứa hẹn sẽ hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng trên cơ sở khai thác những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, đầu tư vào du lịch của các địa phương tham gia liên kết.

Tại tỉnh Phú Thọ, ngày 14/11 vừa qua, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với nhiều nội dung quan trọng được ký kết, bước đầu mở ra cơ hội liên kết phát triển du lịch bền vững cho các địa phương tham gia.

Lào Cai với “nóc nhà Đông Dương” là điểm đến hấp dẫn trong hành trình chinh phục Tây Bắc.

Cần làm gì để liên kết hiệu quả và bền vững?

Đó là câu hỏi được Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra để hướng tới mục tiêu phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng hiệu quả và bền vững. Nội dung quan trọng này được nhiều tỉnh, đơn vị kinh doanh và chuyên gia du lịch hiến kế tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020.

Dưới góc nhìn của một đơn vị kinh doanh du lịch, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho rằng, để liên kết hiệu quả, các ngành, địa phương cần tập trung vào 4 nội dung chính: Phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá, liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư phát triển hạ tầng hoặc các tuyến, điểm dịch vụ về du lịch.

Trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng, Saigontourist Group đã xây dựng 3 tuyến du lịch mẫu liên kết: Tuyến “Tây Bắc - bản anh hùng ca” (6 ngày, 5 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của các tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai; tuyến “Hương sắc vùng cao” (5 ngày, 4 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của tỉnh Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và tuyến “Về miền đất Tổ” (6 ngày, 5 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai. Đây là những tuyến du lịch đã được đơn vị triển khai ngay nhằm kích cầu du lịch trong những tháng cuối năm 2020.

Còn bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng: Tiềm năng du lịch các tỉnh Tây Bắc rất lớn nhưng việc khai thác còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch chưa phát triển đồng bộ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch cao cấp còn thiếu cũng khiến ngành du lịch của vùng khó cạnh tranh về đối tượng khách có mức chi tiêu cao đến tham quan, nghỉ dưỡng, lưu trú. Phần lớn khách du lịch đến các tỉnh Tây Bắc ít chi tiêu cho du lịch vì thiếu điểm mua sắm, thiếu các hoạt động giải trí về đêm.

Do đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel đề xuất một số giải pháp, như đa dạng hóa sản phẩm du lịch, các tỉnh cùng kết nối, xây dựng các tour du lịch đặc trưng của toàn vùng; nâng cấp các tuyến đường; đầu tư xây dựng các trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn kinh doanh sản vật địa phương; đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch...

Nhiều đại biểu tại hội nghị cũng đề xuất các giải pháp liên kết phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát triển du lịch không tách rời nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân địa phương, hỗ trợ người dân tham gia làm du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sống, bảo tồn các di sản, văn hóa và hình thành nếp sống văn minh để mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân thực sự trở thành đại sứ du lịch, quảng bá du lịch vùng, chào đón du khách tới các vùng đất.

Đánh giá cao sáng kiến liên kết, kết nối du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương tập trung thu hút nhiều nhà đầu tư lớn để xây dựng hạ tầng, sản phẩm du lịch; kêu gọi đầu tư xây dựng được các khu du lịch tập trung, sản phẩm du lịch bền vững kết hợp giữa doanh nghiệp và cộng đồng dân cư… Phải biến du lịch cộng đồng trở thành “của để dành” cho thế hệ mai sau, tạo việc làm cho người dân bản địa và góp phần tiếp thu, quảng bá giá trị văn hóa của các địa phương./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục