Dalat Guiding Talent - cơ hội tỏa sáng đam mê du lịch
Cuộc thi Dalat Guiding Talent (có thể gọi là Cuộc thi Tìm kiếm tài năng hướng dẫn du lịch Đà Lạt) do Khoa Du lịch của Trường Đại học Đà Lạt tổ chức vừa được khởi động bằng Lễ ra mắt, và vẫn đang trong thời gian nhận hồ sơ. Đây là cuộc thi chỉ dành riêng cho sinh viên toàn thành phố Đà Lạt, nhưng rất có ý nghĩa, không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với đội ngũ những người làm du lịch ở tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, là cuộc thi về du lịch, nhưng sân chơi này dành cho tất cả các bạn sinh viên, bất kể là sinh viên học ngành nào của các trường trung cấp, cao đẳng, hay đại học; chứ không chỉ riêng sinh viên ngành du lịch, hay sinh viên Đại học Đà Lạt.
Ban Tổ chức, Ban cố vấn của cuộc thi và các nhà tài trợ trong Lễ ra mắt Dalat Guiding Talent
Cô Trương Thị Ngọc Nghĩa - Giảng viên Khoa Du lịch (Trường Đại học Đà Lạt), Trưởng ban Tổ chức Dalat Guiding Talent, cho biết: Cuộc thi hứa hẹn là sân chơi bổ ích, giúp các bạn sinh viên trên địa bàn thành phố Đà Lạt có cơ hội giao lưu, học hỏi và khẳng định được năng lực của bản thân, cũng như làm cầu nối giữa các bạn sinh viên với doanh nghiệp du lịch; giúp các bạn có cái nhìn tổng quát về nghề hướng dẫn viên, khơi gợi niềm đam mê và hướng đến sự chuyên nghiệp trong hoạt động nghề hướng dẫn viên du lịch của các bạn sau này.
Cuộc thi ngay từ ban đầu đã thu hút các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt thông qua việc tài trợ và trở thành đối tác cho các sự kiện của cuộc thi. Với mong muốn, sau cuộc thi sẽ có nhiều bạn sinh viên đam mê du lịch, có ước mơ, có tài năng... trở thành đội ngũ nhân lực kế cận chất lượng, nên ngoài tài trợ giải thưởng cuộc thi ra, Nghiền Đà Lạt hỗ trợ sản xuất clip cá nhân cho thí sinh; những thí sinh lọt vào vòng trong có thể được thưởng những gói đào tạo chuyên sâu về du lịch của Vietravel và sẽ được cấp thẻ hành nghề ngay khi hoàn tất khóa học...
Theo Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy (Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) - cố vấn chuyên môn của cuộc thi: Thực tế, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch so với thế hệ tiếp nối dường như có một khoảng cách. Với lực lượng sinh viên của các trường trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện nay, thì lượng thí sinh tham dự cuộc thi được kỳ vọng là khá dồi dào. Thông qua cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ được định hướng nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng và trưởng thành hơn qua từng vòng thi. Điều quan trọng nhất của người hướng dẫn viên du lịch là đam mê và ý thức ham học hỏi; kỹ năng, kiến thức và chuyên môn sẽ được bổ sung dần từ cuộc sống, từ nhà trường, từ hoạt động nghề nghiệp...
Riêng Khoa Du lịch của Trường Đại học Đà Lạt, dù chỉ mới thực hiện Lễ ra mắt cuộc thi, nhưng từ khâu chuẩn bị đến thực hiện Lễ ra mắt đã làm rất tốt. Câu lạc bộ Nhân lực trẻ của Khoa Du lịch hỗ trợ phát triển kỹ năng cho các bạn sinh viên, ngoài những kiến thức được học ở trường, giúp các bạn rất nhiều khi tham gia các hoạt động xã hội, hay làm công việc chính thức của mình...
Không chỉ sinh viên ngành Du lịch và Đại học Đà Lạt, mà tất cả sinh viên của các trường trên địa bàn Đà Lạt đều có thể tham dự Dalat Guiding Talent
Thạc sĩ Hoàng Ngọc Huy cho biết thêm: Việc tổ chức được cuộc thi rất tốn công sức và chi phí, do đó, yêu cầu của Ban Cố vấn là cuộc thi phải thực sự công bằng và minh bạch. Mọi thông tin về cuộc thi phải được công khai. Thành viên Ban giám khảo đều không phải là đại diện của các trường mà là các chuyên gia, những người tâm huyết và kinh nghiệm trong lĩnh vực lữ hành. Vì vậy, các thí sinh phải là những người có trách nhiệm và nghiêm túc khi bước vào cuộc thi này và phải đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn. Do đó, cơ hội thành công trong cuộc thi mang tính định hướng nghề nghiệp rất lớn.
Tổng giá trị tài trợ cho cuộc thi tính đến ngày ra mắt (26/10) là 60 triệu đồng và chắc chắn càng tiến sâu vào các vòng trong, nguồn tài trợ sẽ tăng lên tùy vào độ lan tỏa và chất lượng thí sinh với nhiều gói quà tặng khác. Những thí sinh đoạt giải được mong đợi là những người thực sự xứng đáng về năng lực và năng khiếu để trở thành những người hướng dẫn viên du lịch chứ không phải người dẫn đường. Cơ hội từ sân chơi này có thể sẽ vô cùng giá trị. Đó là, khi ra trường, các bạn thí sinh sẽ được các hãng lữ hành, hãng du lịch mời về làm việc, chứ không phải mang hồ sơ đi xin việc.
Có nghĩa là, giá trị giải thưởng về mặt vật chất sẽ không quan trọng bằng giá trị thương hiệu mà thí sinh có được từ cuộc thi, sẽ giúp thí sinh có bước đột phá và thành công. Thêm vào đó, tên gọi cuộc thi sử dụng chữ Đà Lạt với mục đích tạo nên sự khác biệt giữa những hướng dẫn viên du lịch Đà Lạt so với các hướng dẫn viên của nơi khác. Nói cách khác là, tâm tính, văn hóa, phong cách người Đà Lạt sẽ được chú trọng trong thần thái thể hiện của thí sinh; và, từ cuộc thi này, các bạn thí sinh chính là người quảng bá cho Đà Lạt với niềm đam mê du lịch và tình yêu dành cho Đà Lạt.
NHẬT QUÂN
Nguồn: Báo Lâm Đồng