Quảng Ngãi: Hộ nghèo, mới thoát nghèo ở đảo Bé Lý Sơn được đào tạo nghiệp vụ du lịch
Đảo Bé Lý Sơn có diện tích chưa đầy 1 km2. Ảnh: laodong.vn
Chị Nguyễn Thị Thành, sinh năm 1990, là thế hệ thứ 3 sinh sống ở thôn Bắc An Bình chia sẻ, gia đình có 4 sào đất trồng tỏi, tuy nhiên đảo Bé vốn không có nước ngọt, việc trồng tỏi, rau màu phải phụ thuộc vào nước mưa nên năng suất và sản lượng rất thấp. Là hộ gia đình thuộc diện mới thoát nghèo, năm 2023, chị Nguyễn Thị Thành được theo học lớp “Nghiệp vụ du lịch” do UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Ngãi tổ chức. Sau lớp học ngắn hạn, vợ chồng chị Thành chuyển sang làm dịch vụ phục vụ du khách trên đảo.
“Trước đây mỗi lần có khách du lịch ra đảo Bé, gia đình tôi chỉ mời khách ghé uống nước rồi hướng dẫn khách đi tham quan. Từ khi được trang bị kiến thức làm du lịch, vợ chồng tôi mạnh dạn nhận tour, chế biến món ăn, phục vụ du khách lưu trú. Đầu năm 2024, vợ chồng tôi quyết định mua một xe điện 370 triệu đồng chở khách du lịch đi thăm quan đảo, chụp ảnh cho du khách. Hiện nay, khách du lịch ra đảo Bé rất đông, mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm thêm khoảng 300.000 đồng từ dịch vụ phục vụ du khách”, chị Nguyễn Thị Thành nói.
Bà Dương Thị Dung, Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và xã hội - Y tế huyện Lý Sơn cho biết, căn cứ Quyết định 480/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi về phê duyệt danh mục nghề, chi phí đào tạo đối với từng ngành nghề trình độ sơ cấp, và đào tạo dưới 3 tháng; đồng thời, thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Lý Sơn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Quảng Ngãi tổ chức lớp đào tạo nghề “nghiệp vụ du lịch” dưới 3 tháng (từ tháng 8-10/2023) cho 32 người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp tại đảo Bé - xã đảo An Bình.
Theo bà Dung, người lao động được trang bị các kiến thức: tổng quan về du lịch; nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; tâm lý, kỹ năng giao tiếp ứng xử với khách du lịch; an ninh an toàn trong phát triển du lịch; phát triển du lịch bền vững; du lịch cộng đồng và homestay và được hỗ trợ kinh phí tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày. Hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh cho biết, trong mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế của huyện đảo, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đào tạo nghề du lịch cho lao động là “chìa khóa” góp phần thúc đẩy phát triển du lịch Lý Sơn, tạo việc làm bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Năm 2023, Lý Sơn đã mở một lớp nghiệp vụ du lịch cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và có thu nhập thấp. Việc đào tạo nghề giúp người dân đảo Bé biết cách làm du lịch và làm du lịch chuyên nghiệp hơn, đây cũng là cơ hội để người dân tận dụng lợi thế của địa phương chuyển đổi nghề, nâng cao mức sống.
“Lý Sơn sẽ tiếp tục khảo sát, phân loại, tư vấn cho người dân theo học các ngành nghề dịch vụ, du lịch. Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, tạo nguồn lao động tốt hơn phục vụ việc phát triển du lịch trên đảo”. Ông Ninh nhấn mạnh.
Huyện đảo Lý Sơn nằm cách đất liền gần 15 hải lý, dân số toàn huyện là 22.000 người. Với nhiều di tích, danh thắng, mỗi năm Lý Sơn đón hơn 150.000 lượt du khách thăm quan. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định “Phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển- đảo”.
Phạm Cường