Quảng Ninh: Phát triển du lịch theo hướng bền vững
Việc tiêm chủng đợt 1 cho nhân viên trong ngành du lịch hoàn thành vào ngày 20/7. Ảnh: Nguyễn Thơm
Du lịch an toàn
Từ năm 2020 đến nay, có thể nhận thấy 2 chiến lược phát triển du lịch trọng tâm đã được tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhằm thích ứng với Covid-19 là “Du lịch an toàn - hấp dẫn” và “Du lịch an toàn”. Cả hai chiến lược đều nhấn mạnh yếu tố an toàn, lấy an toàn làm nền tảng để phát triển.
Để sống chung với dịch bệnh, du lịch coi trọng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch an toàn và ứng dụng du lịch thông minh, xét nghiệm SARS-CoV-2 với du khách, tiêm chủng cho nhân lực du lịch, tích xanh với sản phẩm du lịch và hộ chiếu vắc-xin.
Quảng Ninh đang tiến hành tiêm chủng đợt 5 vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân. Theo đó, người dân tại các khu vực biên giới như Móng Cái, Bình Liêu đã hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vào ngày 20/7. Đây cũng là mốc thời gian Quảng Ninh hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19 cho 6.800 nhân lực ngành du lịch. Lá chắn xanh bảo vệ đang được gấp rút xây dựng nhằm gia tăng sức đề kháng và chống chịu cho cả nền kinh tế, đặc biệt là du lịch trước đại dịch Covid-19.
“An toàn” giờ đây chính là sự hấp dẫn lớn nhất, mang tính tiên quyết để điểm đến có thể mở cửa đón khách, để lữ hành thiết kế tour và để du khách đủ an tâm ra khỏi nhà, tham gia vào các trải nghiệm.
Phát triển bền vững
Phát triển du lịch bền vững không còn mới mẻ mà là xu thế chung. Tuy nhiên, loại hình này đòi hỏi nhiều yếu tố như: Đào tạo chuyên môn sâu cho đội ngũ nhân lực, lao động du lịch… Việc phát triển phải trong thời gian lâu dài, tốn nhiều chi phí và sự đầu tư.
Trái ngược với du lịch bền vững là du lịch đại trà (Mass Tourism) loại hình du lịch liên quan đến lượng lớn khách du lịch ghé thăm một điểm đến trong cùng một khoảng thời gian, sự quá tải của điểm đến, thiếu khả năng đáp ứng dịch vụ, tăng đáng kể chi phí sinh hoạt tại điểm đến, ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất hạ tầng địa phương và thiên nhiên xung quanh.
Covid-19 đặt ra những hạn chế, bóp nghẹt du lịch đại trà, khiến du lịch đại trà rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, để lại một lựa chọn duy nhất. Đó là du lịch bền vững. Du lịch bền vững được các chuyên gia đánh giá là cứu cánh cho các doanh nghiệp vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, với cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, Covid-19 có thể không phải là đại dịch cuối cùng của nhân loại thì ngay cả khi vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng đại trà trên toàn cầu, du lịch bền vững vẫn là cách tiếp cận lâu dài, giúp du lịch sống sót qua mọi cú sốc có thể xảy đến trong tương lai.
Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch (Sở Du lịch Quảng Ninh) và Trung tâm lữ hành Heritage học trực tuyến nâng cao chất lượng sản phẩm với đối tác TST Tourist (TP Hồ Chí Minh).
Nhận diện được vấn đề này, nhiều hãng lữ hành đã đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch bền vững, tập trung vào dòng khách cao cấp, các nhóm khách nhỏ; khai thác giá trị văn hóa bản địa, tận dụng các nguồn lực của địa phương.
Bà Phạm Thị Mai Anh, Giám đốc Trung tâm lữ hành Heritage cho biết, sau chuyến khảo sát các tuyến điểm tại Quảng Ninh, ngoài việc xây dựng 25 chương trình khung, đơn vị đã hoàn thiện các sản phẩm tour mang màu sắc riêng, hướng đến đối tượng khách cao cấp và các chuyên gia nước ngoài. Điểm đến của những sản phẩm này là những tuyến đảo hoang sơ, những điểm đến đảm bảo sự riêng tư và những nơi có bức tranh văn hóa đa sắc màu như tuyến đảo hoang trên vịnh Bái Tử Long, các thôn bản tại huyện miền núi biên giới Bình Liêu…
Việc đưa khách tới những điểm đến này hứa hẹn mở rộng không gian phát triển cho du lịch Quảng Ninh, tạo sự cân bằng trong phát triển du lịch, kết nối Hạ Long với các điểm đến trong tỉnh để giảm tải cho Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (trong tương lai khi du lịch quốc tế được khai thông).
Công ty CP Phát triển Tùng Lâm thử nghiệm sản phẩm du lịch "Theo dấu chân Phật hoàng" tháng 3/2021.
Sản phẩm du lịch “Theo dấu chân Phật hoàng” do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm phát triển cũng là một ví dụ điển hình cho việc phát triển du lịch chậm và du lịch bền vững. Một nhóm khách nhỏ, không quá 10 người, trong bộ đồ đạo tràng, chân trần đi theo sự hướng dẫn của Thiền nhân, nhẹ bước chân hành thiền qua các điểm di tích cổ, hàng tùng già gần 700 tuổi tại Yên Tử…
Tham gia vào những tour du lịch bền vững, du khách không dừng lại ở tham quan mà thực sự được trải nghiệm, chính vì thế thời gian lưu lại của họ tại một điểm đến sẽ dài hơn và tỷ lệ quay lại điểm đến cũng cao hơn.
“Theo dấu chân Phật hoàng” được nhóm phát triển sản phẩm của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho ra mắt sau lần bùng phát thứ 2 của dịch Covid-19. Ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch, trong đó có Công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Để thích ứng, chúng tôi đã phải tái cơ cấu, điều phối nguồn nhân lực… Bên cạnh đó, chú trọng tới nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài những sản phẩm có sẵn, chúng tôi đã xây dựng những sản phẩm mới mang đẳng cấp cao hơn, tập trung vào sản phẩm chăm sóc sức khỏe cả thân và tâm cho du khách. Chúng tôi sẽ kiên định với quan điểm phát triển này và xác định đi lâu dài, lấy văn hóa bản địa để dẫn dắt cho các sản phẩm của Tùng Lâm.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, không riêng gì Quảng Ninh mà nhiều thành phố du lịch trên thế giới cũng đang tái thiết du lịch theo hướng phát triển bền vững, du lịch an toàn.
Đào Linh