Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Ưu tiên đầu tư hạ tầng để kết nối du lịch

Cập nhật: 09/08/2021 09:00:08
Số lần đọc: 883
Được mở rộng quy mô, du lịch TP. Huế có thêm nhiều điểm đến, nhiều loại hình mới. Để phát huy và thúc đẩy phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng cơ bản, giao thông để kết nối đang được đặt ra. Hạ tầng giao thông kết nối vùng biển cần có sự đầu tư trong thời gian tới


Mở rộng loại hình du lịch

Sau khi được sáp nhập từ ngày 1/7, nhiều điểm du lịch trước đây thuộc thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang đã trở thành điểm đến mới thuộc quản lý và khai thác của TP. Huế. Có thể kể đến một số điểm nổi bật, như lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén, chùa Huyền Không, phố cổ Bao Vinh, làng hoa giấy Thanh Tiên, đầm phá Tam Giang, Rú Chá, Cồn Tè và biển Thuận An, Hải Dương...

Lãnh đạo TP. Huế nhìn nhận, so với trước đây, thế mạnh của du lịch thành phố chỉ tập trung ở vùng lõi, sản phẩm du lịch xoay quanh di sản, văn hóa, dịch vụ phụ trợ. Nay khi mở rộng, du lịch TP. Huế có thêm nhiều loại hình, sản phẩm gắn với đồi núi, nông thôn, đầm phá và biển. Những khu nghỉ dưỡng gắn với đồi núi, hai bên bờ sông Hương và biển nay cũng thuộc phạm vi của TP. Huế, hứa hẹn sẽ tạo sức hút tổng thể, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút và giữ chân du khách ở lại thành phố lâu hơn.

Theo các chuyên gia, khi thành phố mở rộng, luôn có thời cơ lẫn thách thức. Song đối với ngành du lịch thành phố, cơ hội mở ra sẽ nhiều hơn, thêm lợi thế để xây dựng một điểm đến năng động, đa dạng với thế mạnh là đô thị di sản ở vùng lõi và những loại hình du lịch mới, có sức cạnh tranh cao nằm ở vị trí vệ tinh.

Ông Vũ Văn Chương, Hội Lữ hành tỉnh cho biết, xét về mặt lợi thế để thu hút khách, ở khía cạnh không gian, khi giới thiệu một điểm đến thuộc TP. Huế, dù về khoảng cách vẫn như trước, nhưng cách nhìn nhận của du khách hoàn toàn khác. Đó là điểm đến gần, dễ di chuyển. Do đó, du khách sẵn sàng tham quan, khám phá những điểm đến khi được lữ hành thông báo là chỉ nằm trong phạm vi thành phố. Việc xây dựng tour tuyến, giải quyết những phát sinh, thủ tục khi khai thác cũng dễ hơn bởi chỉ cần thông qua một đầu mối quản lý.

Ông Chương nêu ví dụ tiềm năng phát triển khai thác tour khám phá TP. Huế bằng đường thủy. Điểm khởi đầu là ở Hương Thọ, đến điện Hòn Chén, về Thủy Biều, Phú Mộng – Kim Long, về trung tâm thành phố khám phá di sản, xuôi về cồn Hến, Bao Vinh, Thanh Tiên và về nghỉ dưỡng ở biển. Bên cạnh tour khám phá văn hóa – di sản có thể khai thác riêng tour khám phá, trải nghiệm làng nghề ở Huế với các nghề làm hương, làm hoa giấy, nghề rèn, nghề trồng hoa… nằm dọc hai bên bờ sông.

Ưu tiên kết nối vùng biển

Lãnh đạo TP. Huế nhấn mạnh, lợi thế về du lịch khi thành phố được mở rộng là điều đã được chỉ ra, nhưng đồng thời là cả thách thức trong phát triển, các dịch vụ du lịch đòi hỏi phải vươn tầm, có sự đầu tư bài bản hơn để xứng tầm là một đô thị di sản, theo định hướng của Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, để phát huy được lợi thế, xây dựng Huế là điểm đến đa dạng các dịch vụ, loại hình du lịch, trong nhiều giải pháp được đặt ra, đầu tư hạ tầng sẽ là giải pháp căn cơ để kết nối, tăng khả năng phát triển cho điểm đến. Trên thực tế, hạ tầng một số điểm cơ bản đã đáp ứng, nhưng một số chưa đáp ứng được cho xu hướng phát triển mới. Lãnh đạo thành phố đã giao các phòng chuyên môn tiến hành khảo sát tất cả các điểm du lịch. Trên cơ sở khảo sát và những định hướng mới sẽ có những đầu tư hạ tầng phù hợp tại các điểm đến. Bên cạnh đó là có sự lựa chọn ưu tiên theo từng giai đoạn, bố trí hợp lý nguồn lực.

Chẳng hạn như các tour du lịch bằng đường thủy, cần hạ tầng gồm các bến thuyền mới có quy mô, tính hiện đại. Giao thông kết nối từ các bến thuyền vào các làng nghề, điểm du lịch phải đảm bảo hoàn thiện cho sự phát triển dài hạn. Ngoài ra, đảm bảo hạ tầng cơ bản, giao thông thuận lợi cũng là giải pháp thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch tốt hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, với việc sáp nhập, địa giới được mở rộng tới Biển Đông, Huế trở thành thành phố biển trong chuỗi những thành phố duyên hải miền Trung, như Đồng Hới, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang... Đây là cơ hội lớn để TP. Huế nói riêng và tỉnh thu hút đầu tư, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn khách du lịch, có sức cạnh tranh cao.

Ông Đồng Sỹ Toàn, Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế cho biết, lãnh đạo TP. Huế đã xác định tầm quan trọng trên, vì thế sẽ ưu tiên đầu tư, chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng ở vùng biển. Trước hết sẽ tập trung kết nối hạ tầng giao thông về hướng đông, hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường. Đặc biệt là ở Thuận An, đòi hỏi phải có quy hoạch lại bãi biển, hạ tầng, hệ thống dịch vụ để tạo sự đồng bộ và nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Khi du lịch biển cơ bản được hoàn thiện sẽ đầu tư cho các điểm đến khác.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP. Huế nhấn mạnh, đối với một số vùng gắn với biển, là cửa ngõ phía Đông của thành phố, nên sẽ tập trung chỉnh trang sớm, để có điều kiện kết nối, bộ mặt thành phố có sự tương đồng với vùng lõi trung tâm thành phố ở những vùng đô thị mới.

Bài, ảnh: Quang Sang

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục