Hoạt động của ngành

Việt Nam ưu tiên phát triển du lịch nội địa

Cập nhật: 30/09/2010 10:09:39
Số lần đọc: 3247
“Việt Nam ưu tiên xúc tiến đầu tư du lịch nội địa và tạo điều kiện để mọi người Việt đều có cơ hội đi du lịch”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Việt Nam Hoàng Tuấn Anh tại Diễn đàn đầu tư Du lịch ASEAN 2010 với chủ đề “Đầu tư Du lịch ASEAN: Thách thức và cơ hội” diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh ngày 29/9/2010. Diễn đàn diễn ra trước thềm Hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCMC tại TP.Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các nước ASEAN. 

Đây là sự kiện quốc tế chuyên ngành, mang ý nghĩa chính trị, kinh tế sâu sắc, góp phần quảng bá, xúc tiến tại chỗ hình ảnh du lịch Việt Nam và ASEAN. Diễn đàn nhằm tạo cơ hội cho các nước ASEAN tiếp xúc, trao đổi thông tin với các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời giúp các bên thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư du lịch tại ASEAN.

Thông qua Diễn đàn, một lần nữa Việt Nam tiếp tục khẳng định sự cam kết hợp tác du lịch mạnh mẽ với các nước trong khối ASEAN. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư ngoài khối thông qua cơ chế ASEAN sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn.

 

Lợi thế của Du lịch Việt Nam

 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, Việt Nam có 5 lợi thế cơ bản để tận dụng thời cơ phát triển du lịch trong thời gian tới. Thứ nhất, Việt Nam có bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước được bạn bè thế giới công nhận; Thứ hai là nền văn hóa lâu đời, với 54 dân tộc nhưng lại thống nhất trong đa dạng; Thứ ba, thiên nhiên hết sức ưu đãi, từ Bắc tới Nam có địa hình phong phú với rất nhiều cảnh đẹp và nhiều di sản thế giới; Thứ tư, Việt Nam có nguồn lực du lịch dồi dào và cuối cùng là cở sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, mở rộng.

 

Có thể nói, với những lợi thế đó, du lịch Việt Nam có đầy đủ điều kiện để hội nhập sâu hơn với du lịch thế giới và phấn đấu trở thành một quốc gia có ngành du lịch phát triển mạnh trong khu vực.

 

Đến nay, ngành du lịch Việt Nam không dừng lại ở việc đầu tư tại 21 địa phương mà đã mở rộng lên đến 40 địa phương với 3 trọng điểm: phía Bắc chú ý du lịch lịch sử, văn hóa; các tỉnh miền Trung khai thác du lịch biển đảo; các tỉnh Nam bộ phát triển du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long.

 

Ngoài quy hoạch tổng thể của Bộ VHTT&DL, đã đến lúc các địa phương phải quy hoạch cho mình mô hình phát triển du lịch để khai thác thế mạnh của từng địa phương. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh: “Quy hoạch du lịch chỉ có tính liên cực khi vai trò quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cũng như những nhà quản lý du lịch biết chọn cho mình hướng đi phù hợp, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ cở sở hạ tầng – điểm yếu mà lâu nay chúng ta có quan tâm nhưng thực tế vẫn còn chậm”.

 

Ưu tiên đầu tư du lịch nội địa

 

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, giao thông là yếu tố cực kỳ quan trọng cho phát triển du lịch trong và ngoài nước. Để phát triển mạnh du lịch nội địa, chúng ta cần chú ý đầu tư 5 con đường: đường bộ, đường sắt, đường sông, đường không và đường biển.

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, quan điểm của Bộ là ưu tiên phát triển du lịch nội địa và tạo điều kiện để mọi người Việt Nam đều có cơ hội đi du lịch. Nhiều người dân ở các vùng nông thôn xa xôi chưa biết vịnh Hạ Long đẹp như thế nào, thậm chí chỉ biết Hà Nội thông qua sách vở chứ chưa từng đặt chân đến Hà Nội bao giờ.

 

Thực tế khủng hoảng vừa qua cho thấy du lịch nội địa đã cứu vãn ngành du lịch trong nước trước sự tụt giảm nghiêm trọng khách du lịch quốc tế. Điều đó cho thấy vai trò của du lịch nội địa ngày càng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam.

 

Theo các chuyên gia, để quy hoạch phát triển du lịch trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chiến lược cần cân nhắc 4 yếu tố: di sản, cơ sở hạ tầng, phương tiện di chuyển nhằm rút ngắn khoảng cách; môi trường đầu tư du lịch thân thiện; xây dựng nguồn nhân lực hỗ trợ tăng trưởng du lịch và cuối cùng là xây dựng quỹ đầu tư du lịch bền vững.

Nguồn: Website toquoc.gov.vn

Cùng chuyên mục