Hành trang lữ khách

Sức quyến rũ các đền tháp ở Mỹ Sơn

Cập nhật: 08/01/2009 08:01:50
Số lần đọc: 1927
Mặc dù đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và thường xuyên đón nhận lượng du khách đông đảo, nhưng khi đến Mỹ Sơn, tôi vẫn ngỡ ngàng bởi cái uy nghiêm, tĩnh lặng và thần bí đến lạ lùng. Có lẽ, cảm giác ấy hiện diện trong mỗi người khách đến Mỹ Sơn bởi quần thể kiến trúc đền tháp và những tấm bia ký còn tồn tại.

Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, thánh địa này là trung tâm văn hóa tín ngưỡng của các triều đại Chăm-pa. Nghệ thuật kiến trúc đền tháp mang ảnh hưởng lớn của phong cách Ấn Độ. Thánh địa có một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía đông để nhận ánh sáng mặt trời. Theo các nhà nghiên cứu tháp Chàm cổ, nghệ thuật kiến trúc tháp Chàm tại Mỹ Sơn hội tụ được nhiều phong cách; mang tính liên tục từ phong cách cổ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII; phong cách Hòa Lai thế kỷ VIII đến thế kỷ thứ IX; phong cách Ðồng Dương từ giữa thế kỷ IX; phong cách Mỹ Sơn và chuyển tiếp giữa Mỹ Sơn và Bình Ðịnh; phong cách Bình Ðịnh…

 

Mặc dù số lượng tháp hiện nay chỉ còn lại không nhiều, nhưng chúng vẫn là những bằng chứng đầy thuyết phục về một nền nghệ thuật kiến trúc cổ độc đáo với nghệ thuật xây dựng, gắn kết. Chính sự bí ẩn này đã làm cho tháp Chàm trở thành một trong những thành tựu kiến trúc độc đáo và đem lại cho tháp Chàm một vẻ đẹp có một không hai trong khu vực Đông Nam Á.

 

Tuy nhiên, những huyền thoại về tháp Chăm không chỉ bởi sự bí ẩn về cách người Chăm-pa xây tháp, mà còn bởi nghệ thuật chạm khắc trên gạch của họ. Có đến tháp Chàm và tận mắt nhìn thấy những mặt tường tháp dày đặc những hình chạm khắc tinh tế, trau chuốt như đồ kim hoàn ta mới thấy hết bàn tay phù phép của người thợ Chăm. Đến mức người ta đã từng giả định rằng người thợ Chăm xưa đã đục trên gạch, sau đó xây tháp bằng gạch mộc rồi mới nung. Giả thuyết này từ lâu đã bị bác bỏ bởi sự chính xác đến từng đường nét, không một chút cong lệch trên các hình khắc của tháp cho thấy nó chắc chắn được chạm khắc sau khi đã xây xong. Nhưng cho đến nay cũng không ai dám khẳng định chắc chắn 100% về cách xây dựng cũng như chạm khắc trên gạch của người thợ Chăm xưa.

 

Những công trình kiến trúc và điêu khắc, dù quan trọng, nhưng mới chỉ là phần vật chất của Mỹ Sơn. Đằng sau nó là dấu ấn cả một bức tranh sinh động về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của Vương quốc cổ Chăm-pa, được ghi trong cuốn sách sử là những tấm bia ký ở Mỹ Sơn. Với 32 bia ký còn lại, Mỹ Sơn hiện đang chiếm số lượng lớn nhất trong tổng 130 bia ký của người Chăm còn lại ở khắp mọi nơi. Những tấm bia viết bằng tiếng Phạn cổ này có niên đại liên tục trong suốt chiều dài lịch sử từ thế kỷ 5 đến 13 đều do các vị vua tu bổ, cúng tiến cho các vị thần được thờ Mỹ Sơn.

 

Mỹ Sơn vẫn đang hứa hẹn sẽ mang đến những trầm trồ thán phục, những câu hỏi thú vị, những cảm giác mới mẻ cho những ai đang còn muốn khám phá những bí ẩn trong văn hóa truyền thống của dọc dài Việt Nam ta.

Nguồn: Báo QĐND

Cùng chuyên mục