Hoạt động của ngành

Khánh Hòa: Đưa du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống

Cập nhật: 28/03/2024 14:13:59
Số lần đọc: 536
Cùng với việc đưa du khách đến tham quan ở các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã đưa các trò chơi dân gian, nghề truyền thống, ẩm thực vào phục vụ khách du lịch… Du khách quốc tế rất thích thú khi được trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Việt khi đến Nha Trang - Khánh Hòa.


Nhiều địa điểm giới thiệu văn hóa truyền thống

Mới đây, Làng nghề Nha Trang xưa (trước đây là Nhà hàng Nha Trang xưa) đón gần 80 khách quốc tế là lãnh đạo và đối tác cấp cao từ Tập đoàn Honour Lane Shipping (Hong Kong, Trung Quốc) đến tham quan và trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Các du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp… đã có dịp tham quan khu nhà cổ 100 năm, xem nghệ nhân dệt chiếu, nhảy sạp cùng các nhân viên của Nha Trang xưa. Đặc biệt, đoàn khách được tham quan khu trưng bày ẩm thực truyền thống của xứ Trầm Hương. Những du khách rất thích thú khi được nhìn thấy cối đá nghiền bột, tìm hiểu quy trình làm bánh xèo, bánh ít và tự tay nặn những chiếc bánh ít nhỏ xinh. Cuối cùng, khách được thưởng thức bữa tối với các món ăn mang đậm hương vị xứ Trầm Hương trong không gian yên bình và lãng mạn của Nha Trang xưa. “Nha Trang xưa là điểm đến mang đậm nét văn hóa truyền thống. Chúng tôi không chỉ giới thiệu với du khách những món ăn truyền thống mà còn muốn du khách biết cách làm ra những món ăn này, giới thiệu về các ngành nghề truyền thống để hiểu hơn về văn hóa của người Việt. Các hoạt động này còn tạo ra sự gắn kết giữa các du khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau”, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Giám đốc điều hành Làng nghề Nha Trang xưa chia sẻ.

Khách du lịch tàu biển tập chơi đàn đá ở Làng nghề Trường Sơn

Việc phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đã trở thành hướng đi của nhiều khu, điểm du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa. Một trong những điểm đến khai thác tốt văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch là Làng nghề Trường Sơn (TP. Nha Trang). Làng nghề Trường Sơn không chỉ giới thiệu các nghề truyền thống như: Đan lưới, làm gốm, dệt chiếu, chằm nón, thêu tranh trên lụa, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ… mà còn trình diễn các nhạc cụ truyền thống của người Việt và các dân tộc thiểu số như: Đàn tranh, đàn bầu, đàn đá, đàn t’rưng... Ở đây cũng phục vụ một số món bánh truyền thống như: Bánh xèo, bánh phu thê… Chính vì vậy, Làng nghề Trường Sơn đã trở thành điểm đến rất hút khách quốc tế, nhất là khách du lịch tàu biển. Mỗi lần đến đây, sau khi nghe các tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống, du khách rất thích thú khi tham quan gian trưng bày áo dài, trải nghiệm nhảy sạp. “Làng nghề có không gian rộng rãi, giới thiệu được nhiều nét văn hóa truyền thống của người Việt. Tôi rất thích thú khi được tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống, thưởng thức hòa tấu nhạc cụ truyền thống của Việt Nam... Tôi thực sự bất ngờ khi Nha Trang có điểm đến thú vị đến vậy” - ông Peter Melchior (du khách Đức) bày tỏ.  

Cũng khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, Khu du lịch Memento (xã Diên Hòa, huyện Diên Khánh) lại chú trọng đến việc khai thác không gian làng quê kết hợp với ẩm thực. Khách đến Memento sẽ được tham quan không gian nhà xưa của khu du lịch, đi tham quan làng quê yên bình với những vườn cây trái mướt xanh, ngắm nhìn cánh đồng lúa chín; trải nghiệm làm bánh xèo để tìm hiểu về văn hóa ẩm thực. Bao giờ cũng vậy, nhân viên của Memento bắt đầu giới thiệu cho du khách về nghề trồng lúa nước trên đất Diên Khánh để cho ra hạt gạo làm bánh; tiếp đó là quá trình làm ra bánh xèo, từ khâu làm bột, làm nhân bánh đến đúc bánh xèo; tất cả đều được chăm chút kỹ lưỡng để cho ra những chiếc bánh giòn thơm, làm hài lòng thực khách... "Thông qua những câu chuyện giản dị đó, chúng tôi muốn lớp trẻ hôm nay thấu hiểu về văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ cha ông. Đồng thời, chúng tôi muốn giới thiệu với du khách quốc tế sự đa dạng, tinh tế trong văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam", bà Phạm Ý Thơ - chủ nhân Khu du lịch Memento chia sẻ.

Góp phần đa dạng sản phẩm du lịch

Việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống được những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao thực hiện thông qua các chương trình như: Tour đi chợ và nấu ăn, các trò chơi văn hóa dân gian, phiên chợ ẩm thực, giới thiệu làng nghề truyền thống. Điển hình như Khu du lịch Champa Island có khu làng nghề truyền thống giới thiệu các nghề chằm nón, làm gốm, dệt chiếu, thêu tranh; Khu nghỉ dưỡng Alma kết hợp với công ty lữ hành để tổ chức tour “Khám phá văn hóa và ẩm thực Việt”. Trong đợt Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Khách sạn Potique (Nha Trang) đã tổ chức Phiên chợ Tết xưa với nhiều hoạt động văn hóa như: Các quầy hàng ẩm thực, thầy đồ viết thư pháp, biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc… được du khách rất ưa thích.

Du khách quốc tế trải nghiệm làm bánh ít ở Làng nghề Nha Trang xưa.

Phát huy giá trị di sản văn hóa để phục vụ khách du lịch không phải là vấn đề mới. Tuy nhiên, trước đây, các doanh nghiệp du lịch chủ yếu chú trọng giới thiệu di sản văn hóa vật thể như: Tháp bà Ponagar, chùa Long Sơn…; hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến khai thác không gian làng quê kết hợp với văn hóa ẩm thực. Điều này đã giúp du lịch Khánh Hòa có sự đa dạng hơn về sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của du khách. “Sau đại dịch Covid-19, thị hiếu du khách có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc tham quan, nghỉ dưỡng, du khách ngày càng ưa thích trải nghiệm về văn hóa bản địa. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt thị hiếu của du khách để xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm về nghề truyền thống, ẩm thực truyền thống phục vụ du khách. Các điểm đến như: Làng nghề Trường Sơn, Nha Trang xưa… đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ du khách. Tôi tin rằng, trong thời gian tới, việc phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch sẽ tiếp tục được mở rộng và có nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn hơn nữa”,  bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ.

Ngày 22-12-2023, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 34 về phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Về tổng thể, tỉnh đặt mục tiêu: Xây dựng, gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh nhằm tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, vì lợi ích của toàn xã hội; sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới, làm giàu văn hóa truyền thống Việt Nam và góp phần mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, tăng doanh thu du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Xuân Thành

Nguồn: Báo Khánh Hòa - baokhanhhoa.vn - Ngày đăng 27/03/2024

Cùng chuyên mục