Hoạt động của ngành

Cộng đồng người Lào ở Đắk Lắk phát triển du lịch từ văn hóa bản địa

Cập nhật: 29/03/2024 11:29:26
Số lần đọc: 611
Cộng đồng các dân tộc ở địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn, Đắk Lắk, trong đó có người Lào đã và đang cùng nhau phát triển du lịch, khai thác tối đa tiềm năng sẵn có.


Một lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Xa xưa, người Lào ở địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk sinh sống mang theo nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng. Trải qua nhiều biến động can qua của lịch sử, cộng đồng người Lào trên địa bàn nay chủ yếu làm nông nghiệp và buôn bán, phát triển du lịch. Bên dòng sông Sêrêpốk êm đềm, những buôn làng trù phú được xây dựng, những ngôi nhà sàn của dân tộc Lào lớp lớp mọc lên theo năm tháng.

Huyện Buôn Đôn hiện có khoảng 29 dân tộc anh em cùng sinh sống. Họ giao thoa về văn hóa, ngôn ngữ đến mức, nhiều khi, rất khó để phân biệt người gốc Lào hay người Ê Đê, M’Nông. Họ cùng nhau tập trung phát triển, quảng bá văn hoá, du lịch.

Một góc huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk nhìn từ trên cao. Ảnh: Bảo Trung

Là người sống trong gia đình mang 3 dòng máu Ê Đê, M’Nông và Lào, chị H’ Kim La Niê Hwing (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Tôi lớn lên trong một gia đình có 3 dòng máu là Ê Đê, M’Nông và Lào. Ở đây, cộng đồng các dân tộc sống rất hoà thuận, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Tôi luôn muốn phát huy giá trị văn hoá của mình để du khách gần xa biết, cảm thụ và trải nghiệm một khi đặt chân đến địa phương".

Cũng là người Lào sinh sống ở Buôn Đôn nhiều năm, chị Sáo Bun Trâm Adrơng (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ nhỏ chị đã được các bà, mẹ dạy các món ăn truyền thống của người Lào, điệu múa Lào cũng như đặc trưng trang phục Lào.

Theo chị Bun Trâm, để lưu giữ văn hoá của dân tộc, đầu tiên phải giữ được tiếng nói riêng. Không chỉ nói tiếng mẹ đẻ mà chị Bun Trâm còn nói tiếng các dân tộc khác như Ê Đê, M’Nông và tiếng phổ thông. Trong gia đình vẫn giữ phong tục của người Lào như lễ cúng sức khoẻ, lễ cột chỉ tay, lễ cưới của người Lào…

Du khách mua sắm đồ lưu niệm khi đến địa bàn huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trung

Có mặt tại huyện Buôn Đôn trong dịp Tết Bunpimay, anh Trần Minh Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cho rằng, đây là lần đầu tiên chứng kiến một lễ hội truyền thống của người Lào và cảm thấy rất ấn tượng. Cuộc sống của người dân nơi đây muôn màu, muôn vẻ và vẫn còn giữ được những bản sắc truyền thống, anh chia sẻ.

Ông Vũ Bá Quỳnh - Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết, mỗi dân tộc trên địa bàn đều có bản sắc riêng, cộng đồng này làm đa dạng hoá nền văn hoá riêng có của huyện Buôn Đôn.

Riêng người Lào nơi đây có bản tính cần cù, chăm chỉ, hiền lành. Họ sinh sống tập trung ở xã Krông Na và cùng nhau phát triển kinh tế, gìn giữ văn hoá và thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương…

Buôn Đôn hiện có hơn 330 người Lào sinh sống, dù đi xa quê hương nhưng những người con xứ sở triệu Voi vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hoá độc đáo, như Tết Bunpimay với tục buộc chỉ cổ tay; hay điệu múa lăm vông truyền thống. Mỗi dịp người Lào tổ chức lễ hội đều nhận được sự hưởng ứng của các dân tộc khác trong vùng như Ê Đê, M’Nông, Gia Rai, Thái… đem đến cho khách du lịch nhiều trải nghiệm mới lạ, độc đáo.

Bảo Trung

Nguồn: Báo Lao động - dulich.laodong.vn - Đăng ngày 27/3/2024

Cùng chuyên mục