Ðầu tư Du lịch

Quy định về quản lý di tích trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu

Cập nhật: 13/05/2021 09:48:18
Số lần đọc: 690
Trong những năm qua, Bạc Liêu đã tăng cường thực hiện các biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích), góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân nơi có di tích.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Căn cứ Cái Chanh (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: K.P

Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, ngày 4/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07 quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/3/2021. Theo đó, hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa ngành, cấp trong lĩnh vực quản lý theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn.

UBND tỉnh Bạc Liêu thực hiện quản lý nhà nước đối với toàn bộ di tích trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh. Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn toàn tỉnh Bạc Liêu. Trực tiếp quản lý, khai thác, bảo vệ và phát huy giá trị những di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh khi di tích đó chưa có chủ sở hữu và các di tích khác do UBND tỉnh quyết định.

Theo quy định, đối với các di tích đã được xếp hạng, các công trình trong danh mục kiểm kê di tích (đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và công bố) do tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng có trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, chịu sự quản lý toàn diện của UBND tỉnh đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt, di tích cấp quốc gia; UBND cấp huyện đối với di tích cấp tỉnh và UBND cấp xã đối với các công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê di tích. Sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Các tổ chức được giao quyền sử dụng di tích, cá nhân là chủ sở hữu di tích có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp di tích, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phá hoại, chiếm đoạt, sử dụng trái phép di tích và những di vật, hiện vật thuộc di tích. Đồng thời, có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham quan, học tập và nghiên cứu tại di tích.

Khi tu bổ, phục hồi phải bảo đảm tính nguyên gốc, tính chân xác, tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích. Ưu tiên cho các hoạt động bảo quản, gia cố di tích trước khi áp dụng những biện pháp kỹ thuật tu bổ và phục hồi khác, bảo đảm an toàn cho bản thân công trình và khách tham quan. Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện hành nghề về bảo quản, tu bổ di tích thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với hoạt động khai thác, phát huy giá trị di tích được UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Theo đó, Sở VH-TT-TT&DL Bạc Liêu chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND cấp huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu./.

KHÁNH NGỌC

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT