Lễ Phật Đản - Đi Sóc Trăng vãn cảnh chùa
Có thể thuê xe từ 4-15 chỗ, từ Cần Thơ với giá khoảng 800.000 đồng, hoặc đi xe chất lượng cao của Mai Linh với giá 35.000 đồng/vé (hằng ngày đều có chuyến xuất hành từ bến xe 91B, chuyến sớm nhất là 5 giờ sáng, trễ nhất lúc 15 giờ; từ Sóc Trăng về lại Cần Thơ có chuyến sớm nhất lúc 7 giờ sáng và trễ nhất lúc 17 giờ chiều). Quốc lộ 1A từ Cần Thơ đến Sóc Trăng vừa được nâng cấp mở rộng, khiến quãng thời gian hơn 1 giờ đồng hồ ngồi trên xe của bạn rất dễ chịu. Để tiết kiệm chi phí, khách có thể đi bằng xe gắn máy.
Chùa Kh’Leang, tọa lạc trên đường Mậu Thân, TP Sóc Trăng là một trong những địa chỉ dừng chân đầu tiên của khách hành hương. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 16 với chất liệu chủ yếu là gỗ lợp lá. Cách đây hơn 80 năm, chùa được trùng tu và xây lại bằng gạch, lợp ngói và được giữ nguyên kiến trúc từ đó đến nay trong khuôn viên rộng gần 4.000m2 rợp bóng cây. Chánh điện của chùa có kiến trúc giống các ngôi chùa nguyên mẫu của Phật giáo Nam tông tại Campuchia với 6 hàng cột dọc gồm 60 cây cột trụ sừng sững, uy nghiêm. Hiện nay, chùa vẫn còn lưu giữ những tài liệu quý, ghi chép từ thư tịch cổ, trong đó có nói đến nguồn gốc địa danh “Sóc Trăng và lịch sử chùa”.
Một ngôi chùa Khmer độc đáo khác ở Sóc Trăng là chùa Salon (chùa Chén Kiểu) nằm trên Quốc lộ 1A, cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 7 km hướng về Bạc Liêu, thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Toàn bộ chánh điện của chùa được trang trí bằng cách ghép những mảnh vỡ chén kiểu lại với nhau. Những tác phẩm nghệ thuật như cặp Long, Lân, Quy, Phụng trên vách khu chánh điện và vô số hoa văn ở mái vòm được làm từ những mảnh vỡ của đồ kiểu thể hiện sự độc đáo của ngôi chùa. Chùa Chén Kiểu còn được xem là một kiến trúc cho thấy sự giao thoa văn hóa giữa ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer: hoa văn trên các mảnh chén kiểu thể hiện nét văn hóa của ba dân tộc, hình rồng trên các cột của chánh điện có sự pha trộn hình dáng của rồng Trung Hoa, chín đôi cột gắn liền cách lý giải về sông Cửu Long của người Việt...
Cũng nằm trên địa phận huyện Mỹ Xuyên, chùa Luông Bassac cách TP Sóc Trăng 5 cây số về hướng Đông Bắc là chùa ít người biết đến nhưng đây là ngôi chùa có nét đẹp cổ kính không kém chùa Kh’Leang, được bao trùm bởi màu hồng cánh sen u nhã. Chánh điện có cột tháp cao vút trổ hình tượng người 4 mặt đều nhau, các cột của chánh điện và hàng rào đều có chạm trổ hình tiên nữ Kemnar trong truyền thuyết của người Khmer. Một điểm đến khó bỏ qua khác là chùa Mahatup – hay còn gọi là chùa Dơi, nằm trên đường từ Sóc Trăng đến Mỹ Xuyên, cách 3 km. Tuy ngôi chánh điện của chùa đã bị cháy năm 2007 nhưng không vì thế mà chùa giảm sức hấp dẫn đối với du khách.
Quần thể các ngôi chùa của người Hoa với kiến trúc độc đáo cũng có nét riêng hấp dẫn. Nhiều chùa Hoa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, còn gọi chung là chùa Bà hoặc Thiên Hậu cổ miếu; thờ ngài Quan Thánh Đế được gọi là chùa Ông. Khách có thể vạch một hành trình tham quan các chùa Hoa ở Sóc Trăng như sau: đầu tiên đến chùa La Hán (phường 8, TP Sóc Trăng), sau đó tham quan hai ngôi chùa Bà ở thị trấn Mỹ Xuyên (gồm một chùa Bà của người Hoa gốc Triều Châu và một chùa của người Hoa gốc Quảng Đông), kết thúc hành trình ở Miếu bà Thiên Hậu tại thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu (cách TP Sóc Trăng khoảng 40km). Những ngôi chùa Hoa có điểm chung là được trang trí chủ yếu bằng màu đỏ, kiến trúc theo dạng chữ “Tam”, mái và cổng tam quan cao vút. Bên trong, những mẫu hình trang trí chủ yếu được chạm trổ từ gỗ với nhiều nét điêu khắc tinh xảo. Trong nét chung ấy, mỗi ngôi chùa đều có nét riêng như chùa La Hán có khoảng sân rất rộng, bên trong có mô hình chim phượng được xếp từ đá và một số hòn non bộ cao gần 10 mét, dài gần 20 mét, được chạm khắc và sơn phết rất công phu. Đây là nơi nhà chùa dành cho du khách chụp ảnh, thưởng ngoạn. Hai ngôi chùa Bà ở thị trấn Mỹ Xuyên thu hút người đến chiêm bái vì rất nhiều hoành phi, câu đối và những vật trang trí bằng gỗ được những người Minh Hương mang theo từ cố quốc, được giữ gìn cẩn thận hơn 100 năm qua. Còn Thiên Hậu cổ miếu ở Vĩnh Châu được xem là ngôi chùa Hoa cổ nhất, lớn nhất và đẹp nhất Sóc Trăng. Hằng năm, tại đây có 5 lễ cúng tế lớn, thu hút hàng ngàn khách tham quan.
TP Sóc Trăng còn có những ngôi chùa độc đáo do những người mộ đạo lập nên cách đây mấy trăm năm, là những điểm đến không thể bỏ qua. Đầu tiên phải kể đến là hai ngôi chùa Long Hưng (còn gọi là chùa Bốn Mặt) và chùa Một Cột (được mệnh danh là “một thoáng Hà Nội giữa lòng Sóc Trăng”), nằm cách trung tâm TP khoảng 6 km, trên đường tỉnh lộ đến huyện Kế Sách. Chùa Long Hưng có niên đại hơn 200 năm với kiến trúc thanh thoát, màu sắc tươi tắn, thu hút du khách nhờ tượng Phật bốn mặt bằng đá. Chùa Một Cột nằm trong khuôn viên chùa Long Hưng, được xây dựng trên ao sen, cao khoảng 8 mét với 18 bậc lên xuống, ngôi chính điện được chịu bằng một cột tròn âm xuống ao sen, xung quanh cột được bao bọc bởi 4 con rồng lớn, quay đầu về 4 hướng.
Chùa Đất Sét có tên chữ Bửu Sơn Tự, tọa lạc tại đường Lương Định Của, TP Sóc Trăng do dòng họ Ngô xây dựng độc đáo với 1.901 tượng Phật, linh thú, đỉnh trầm, bảo tháp, lư hương... trong chùa hoàn toàn được nặn từ đất sét. Trong chùa có 8 cây nến: 6 cây lớn chưa đốt mỗi cây nặng khoảng 200kg và cao 1,6m, theo truyền tụng, nó có thể cháy liên tục (ước khoảng 70 năm); 2 cây nến nhỏ đã cháy từ năm 1970 đến nay vẫn chưa tàn.
Du khách hành hương về các chùa ở Sóc Trăng trong những ngày này, có thể liên hệ trước để được dùng cơm chay tại chùa. Những món ăn chay đạm bạc, chủ yếu chế biến từ rau củ, đậu hủ... như lẩu chua, gỏi cuốn, rau củ xào thập cẩm, cơm trắng ăn với tàu hủ ki chiên giòn... được nấu rất khéo léo, vừa miệng, sẽ giúp du khách có thêm những ấn tượng khó quên.