Hòa Bình: Khai thác giá trị văn hoá để phát triển du lịch
PV: Thưa bà, đâu là điểm nổi bật nhất trong sự phát triển của du lịch Hoà Bình những năm gần đây?
Bà Hoàng Thị Chiển: Vài năm trở lại đây, ngành du lịch Hoà Bình luôn giữ được mức tăng trưởng khá ổn định. Sản phẩm du lịch phong phú hơn, chất lượng dịch vụ được đầu tư nâng cấp, một số khu, tuyến, điểm du lịch mới đi vào hoạt động đã tạo sức hút nhất định đối với du khách muôn phương. Tôi cho rằng, đây là sự phát triển đáng khích lệ.
Cụ thể, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 170 cơ sở lưu trú phục vụ trực tiếp cho hoạt động du lịch, bao gồm 18 khách sạn, 111 nhà nghỉ và 41 nhà sàn cộng đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương. Lượng khách du lịch giai đoạn 2006 – 2008 tăng bình quân 31,2%. Riêng năm 2008 đón 690.000 lượt khách (trong đó có 66.500 lượt khách quốc tế), tăng 22% so với năm 2007, thu nhập từ du lịch đạt trên 244 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ tháng 4/2008, hai lĩnh vực văn hoá và du lịch đã được quy về một mối với việc thành lập Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hòa Bình. Tôi tin rằng, trên cơ sở kết hợp hai lĩnh vực này theo hướng khai thác giá trị văn hoá trở thành sản phẩm du lịch, ngành du lịch sẽ có nhiều khởi sắc và công tác quản lý Nhà nước về du lịch cũng sẽ có nhiều thuận lợi mới.
PV: Nhiều người vẫn cho rằng “du lịch Hoà Bình bấy lâu nay “ngủ quên” trên những tiềm năng chưa được đánh thức”. Bà suy nghĩ thế nào về khía cạnh này?
Bà Hoàng Thị Chiển: Nói “ngủ quên” là không khách quan và thiếu tính xây dựng. Bởi vì du lịch Hoà Bình vẫn đang phát triển đúng thực lực và có sự chuyển mình qua mỗi năm. Bằng chứng là những con số tăng trưởng mà tôi vừa viện dẫn.
Thay vì nói “ngủ quên trên những tiềm năng chưa được đánh thức”, chúng ta nên đề cập đến “những trở ngại nhất định phải vượt qua”. Ví dụ, làm thế nào để đa dạng hoá sản phẩm du lịch, để nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú, để đẩy mạnh hiệu quả các hoạt động xúc tiến du lịch, để củng cố giá trị văn hoá đậm đà bản sắc trong các tuyến du lịch cộng đồng,... Trong đó, tôi muốn nhấn mạnh đến hai trở ngại: Chất lượng nguồn nhân lực và sức hút đối với các nhà đầu tư. Đây là hai điểm yếu khiến “ngành công nghiệp không khói” bấy lâu nay phát triển chưa xứng tầm.
Về chất lượng nguồn nhân lực, có thể nói, cả lao động nghiệp vụ, lao động trực tiếp và lao động gián tiếp của ta đều mỏng về số lượng và yếu kém về trình độ chuyên môn. Đặc điểm chung là không chuyên nghiệp. Do đó, không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Để khắc phục tình trạng này, hàng năm ngành du lịch đã mở các lớp tập huấn định kỳ (thường là 3 lớp/năm) về kinh doanh du lịch và nghiệp vụ hướng dẫn du lịch. Đối tượng đào tạo là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia những hoạt động có liên quan. Sắp tới, ngành chủ trương sẽ tăng cường hơn nữa hình thức đào tạo này.
Mặt khác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Bởi lẽ, toàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất một công ty lữ hành là Công ty Cổ phần Du lịch Hòa Bình. Mặc dù là công ty duy nhất có chức năng xây dựng chương trình du lịch quốc tế tại Hoà Bình, song khả năng chuyên nghiệp hoá hoạt động của Công ty còn hạn chế về nhiều mặt. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 dự án đầu tư du lịch với quy mô khá lớn, nhưng nhìn chung, hiệu quả thấp. Một số dự án bị ngừng trệ do nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, một số dự án cơ sở hạ tầng du lịch đầu tư chưa phát huy hiệu quả, nhiều dự án triển khai chậm tiến độ,... Hệ quả tất yếu là sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, thiếu sức hút, vai trò của doanh nghiệp còn mờ nhạt. Điển hình như mục tiêu đưa Hồ Hoà Bình trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, mặc dù dự án rất khả thi nhưng cũng chưa tìm kiếm được nhà đầu tư tâm huyết.
PV: Vậy theo bà, những yếu tố nào được kỳ vọng là sẽ tạo ra sức hút đặc biệt cho ngành du lịch tỉnh ta?
Bà Hoàng Thị Chiển: Tôi tin rằng văn hoá là giá trị cốt lõi, và các giá trị văn hoá sẽ tạo được sức hút đặc biệt. Hoà Bình là cái nôi văn hoá của người Việt cổ, nơi có nền văn hoá đậm đà và độc đáo của 6 dân tộc anh em, nơi có 177 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, và là nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Đây là thế mạnh mà chúng ta có thể khai thác để phát triển du lịch theo hướng kết hợp du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng.
Sắp tới, dự án “Bảo tồn làng Mường truyền thống tại xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc” do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư sẽ tập trung khai thác các giá trị văn hoá truyền thống nhằm xây dựng một điểm nhấn văn hoá thực sự nổi bật trong bức tranh du lịch Hoà Bình. Giống như V’Resort ở Kim Bôi, bản Giang Mỗ ở Cao Phong, bản Lác ở Mai Châu,... Sở dĩ những khu du lịch này tạo được sức hút đặc biệt cũng là nhờ các giá trị văn hoá truyền thống.
PV: Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu suy thoái gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh du lịch. Trong bối cảnh này, tỉnh chủ trương như thế nào để có thể giữ vững mức tăng trưởng và kích cầu ngành du lịch, thưa bà?
Bà Hoàng Thị Chiển: Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 21/8/2008 của Tỉnh uỷ đã đưa ra những quan điểm cụ thể về phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh phải đa dạng hoá các loại hình và sản phẩm du lịch. Mục tiêu trong thời gian tới là tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường các chương trình hợp tác liên tỉnh, liên vùng, xã hội hoá công tác du lịch nhằm khuyến khích sự vào cuộc của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Động thái mới nhất là Quyết định thành lập “Hiệp hội Du lịch tỉnh Hoà Bình”, dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong quý II/2009, với sự tham gia của khoảng 55 tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Ngoài ra, đến nay tỉnh đã có 6 quy hoạch phát triển du lịch: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2001 – 2010; Quy hoạch phát triển du lịch Hồ Hoà Bình thời kỳ 2006 – 2020; Quy hoạch phát triển du lịch của 4 huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc. Trên cơ sở 6 quy hoạch này, phía chính quyền địa phương sẽ có cơ chế chính sách phù hợp và thông thoáng nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, đồng thời xây dựng các chương trình quảng bá và kích cầu du lịch.
PV: Xin chân thành cảm ơn bà