Nhìn lại năm 2020 của du lịch Việt Nam: Ứng phó Covid-19 - Phục hồi hoạt động - Được thế giới vinh danh
Ngành Du lịch luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh (Ảnh: Internet)
Khó khăn, thách thức từ dịch Covid-19
Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch bước vào năm 2020 đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Du lịch Việt Nam đã kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn thế giới đã làm gián đoạn hoạt động du lịch. Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá thiệt hại năm 2020 khiến lượng khách du lịch quốc tế quay ngược về mức cách đây 30 năm. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 ước giảm khoảng 70-75%, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách, làm giảm 1,1 nghìn tỷ đô-la Mỹ tổng thu từ khách du lịch.
Du lịch Việt Nam bị thiệt hại nặng nề do thị trường quốc tế đóng băng từ cuối tháng 3, thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau 2 đợt dịch. Nhu cầu đi du lịch giảm mạnh. Lượng khách quốc tế năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 79,5%; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58,7% - tương đương khoảng 19 tỷ đô-la Mỹ.
Ứng phó Covid-19 và phục hồi hoạt động du lịch
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam, tháng 5/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch phát động Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; và tháng 9/2020 tiếp tục phát động kích cầu giai đoạn 2 với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”.
Chương trình kích cầu du lịch nội địa diễn ra sôi nổi khắp cả nước (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Với sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp, chương trình kích cầu đã diễn ra sôi nổi trên cả nước. Tổng cục Du lịch đã liên tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp triển khai phát động kích cầu và định hướng hình thành các liên kết phát triển du lịch.
Chương trình kích cầu đã đem lại kết quả rõ rệt. Các điểm đến ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh trở lại, nhất là ở các trọng điểm du lịch. Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7/2020, nhu cầu tìm kiếm thông tin số về các điểm du lịch trong nước trên nền tảng Google tăng vọt, có thời điểm tăng 66% so với cùng kỳ 2019.
Công suất buồng phòng các cơ sở lưu trú du lịch tăng dần trở lại, đạt 30-50%, vào cuối tuần có lúc đạt 80-90%. Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến và mở đường bay mới để đáp ứng nhu cầu du khách. Thị trường du lịch nội địa đã trở thành động lực cho sự phục hồi của ngành, giúp giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của Covid-19.
Năm 2020 cũng chứng kiến nỗ lực vượt bậc của cả ngành nhằm chuyển đổi hoạt động, thích ứng với tình hình mới. Trong đó nổi bật là tăng cường ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức hoạt động và phát triển sản phẩm mới.
Tổng cục Du lịch đã thể hiện vai trò dẫn dắt thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai các hoạt động trực tuyến, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia, kết nối liên thông với các Bộ, ngành liên quan và từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn để góp phần triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2.
Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 (Ảnh: TITC)
Trong tình hình đó, Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020 diễn ra vào ngày 28 tháng 11 với sự chủ trì của Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng sự phục hồi và phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới.
Với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”, Hội nghị đã bàn và thống nhất về những vấn đề cốt lõi như: Bảo đảm du lịch an toàn; Nâng cao chất lượng dịch vụ; Tăng cường liên kết hợp tác; và Thúc đẩy chuyển đổi số.
Thế giới vinh danh Du lịch Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam được trao tặng giải thưởng Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng danh giá này.
Ở khu vực, Việt Nam tiếp tục được bình chọn là Điểm đến Văn hóa, Điểm đến Di sản và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á, cùng với danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng được trao tặng các giải thưởng quốc tế danh giá.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý dành tặng cho nỗ lực của tất cả thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành vì sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Các đồng chí Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tổng cục Du lịch với những thành tích nổi bật trong giai đoạn vừa qua và nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành Du lịch (Ảnh: TITC)
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu quá trình phục hồi từ nửa sau năm 2021. Tuy nhiên để đạt được mức bằng năm 2019 cần khoảng thời gian từ 2 năm rưỡi đến 4 năm, tùy tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Du lịch Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của quốc tế, vì vậy cần nhiều thời gian để phục hồi lượng khách du lịch quốc tế.
Năm 2021, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình kích cầu du lịch nội địa; Chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép; Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tiếp tục đề xuất triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh.
Với phương châm “Liên kết, Hành động và Phát triển”, ngành Du lịch quyết tâm vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trung tâm Thông tin du lịch