Hoạt động của ngành

Việt Nam chia sẻ với Colombia kinh nghiệm quản lý du lịch tại di sản Tràng An

Cập nhật: 11/10/2021 09:36:35
Số lần đọc: 955
(TITC) - Sáng ngày 8/10/2021, Tổng cục Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Vai trò của cơ quan quản lý ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong quản lý du lịch tại các di sản: kinh nghiệm Tràng An”.  

Toàn cảnh buổi hội thảo tại đầu cầu Tổng cục Du lịch (Ảnh: TITC)

Đây là hội thảo thứ 3 nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác triển khai Bản Ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Colombia.

Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; ông Miguel Angel Rodriguez Melo - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam và bà Myriam Escallón - Phó giám đốc phụ trách hợp tác khu vực Châu Á, Cơ quan hợp tác phủ Tổng thống Colombia đồng chủ trì.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu của hai nước gồm Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Lãnh đạo Sở Du lịch các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế; và Sở VHTTDL các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa và Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, các trường đào tạo du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu khai mạc hội thảo (Ảnh: TITC)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Colombia nổi tiếng với những di sản thế giới như Cảnh quan văn hóa cà phê Colombia, Vườn quốc gia Chiribiquete, Trung tâm lịch sử Santa Cruz de Mompox, Công viên khảo cổ quốc gia Tierradentro, Hệ thống đường Inca…

Việt Nam cũng rất tự hào với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, trong đó có di sản hỗn hợp văn hoá và thiên nhiên - Quần thể thắng cảnh Tràng An. Thông qua du lịch di sản, Việt Nam mong muốn truyền bá vẻ đẹp và tinh thần của những di sản này đến bạn bè thế giới.

Việt Nam ý thức được vai trò của của cơ quan quản lý nhà nước của các doanh nghiệp trong việc định hướng và khai thác phát triển loại hình du lịch này để hoạt động du lịch góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, hỗ trợ sinh kế cộng đồng địa phương. Chính vì thế, Tổng cục Du lịch Việt Nam rất vui mừng được chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những khó khăn còn gặp phải trong quản lý du lịch di sản trên đất nước mình, đồng thời rất mong muốn lắng nghe những chia sẻ, góp ý, và sáng kiến từ phía các bạn Colombia.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Quần thể danh thắng Tràng An được chính thức ghi nhận vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới - di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 2014 với những giá trị nổi bật được công nhận dựa trên 3 tiêu chí: Tiêu chí Văn hóa, vẻ đẹp thẩm mĩ và địa chất địa mạo.

Khu vực quần thể được chia làm 2 vùng bao gồm vùng lõi di sản và vùng đệm. Trong đó, Vùng lõi Di sản có diện tích 6.226 ha, bao gồm chủ yếu ba khu vực bảo vệ là Cố đô Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư; Vùng đệm Di sản có diện tích 6.026 ha, bao gồm chủ yếu là làng mạc và các cánh đồng lúa. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An là vùng bảo vệ đặc biệt của di sản với các giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan cùng hệ thống các công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa có giá trị to lớn cần được bảo tồn nguyên trạng và trọn vẹn. Vùng đệm có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tính toàn vẹn và bổ trợ cho các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản. Các loại hình có giá trị thuộc Vùng đệm được chia thành các nhóm như: Các giá trị cảnh quan thiên nhiên; Giá trị cảnh quan nông nghiệp; Các di tích khảo cổ; Các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật truyền thống; Các làng truyền thống và các giá trị văn hoá phi vật thể.

Hầu hết khách du lịch đến với Ninh Bình đều đến với Di sản Tràng An. Năm 2020, ảnh hưởng bởi dịch đại dịch Covid-19, Ninh Bình chỉ đón xấp xỉ 2,8 triệu lượt khách, bằng 37% so với năm 2019. Sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh ước đón gần 868.000 lượt khách, đạt 57,69% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước những tác động mạnh mẽ và sâu sắc của đại dịch Covid-19, để chủ động ứng phó và thích ứng đồng thời chuẩn bị tốt nhất các nguồn lực để duy trì tốc độ phát triển du lịch sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Sở Du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã triển khai nhiều biện pháp để kịp thời ứng phó với đại dịch và kế hoạch phục hồi, phát triển du lịch của di sản sau đại dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng và phối hợp với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp trong quản lý, gìn giữ, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản, bảo vệ tài nguyên du lịch. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Du lịch, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã chỉ đạo các doanh nghiệp, ban quản lý các khu, điểm du lịch chấp hành nghiêm túc các quy định, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động; Tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ lao động mất việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch; Vận động, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp trong khu Di sản quan tâm nhiều hơn nữa tới các hoạt động an sinh xã hội, vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động; Áp dụng các giải pháp kích cầu du lịch, trong đó, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá ưu đãi, cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ để thu hút khách nội địa.

(Ảnh: TITC) 

Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chia sẻ, từ năm 2019 đến nay, UNESCO đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình, Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường và các cơ quan trung ương như Tổng cục Du lịch Việt Nam triển khai dự án “Thúc đẩy Chất lượng Du lịch Di sản tại Tràng An”.

Các hoạt động của sự án đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng du lịch của Tràng An, tập trung vào các nhóm du lịch dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thông qua bảo tồn di sản và phát triển khung thuyết minh di sản cho khách du lịch, và nâng cao năng lực quản lý của các đối tác địa phương, đặc biệt là quản lý du khách và di sản. Đến nay, những thành công bước đầu của dự án đã khẳng định rõ tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo tồn nguồn tài nguyên di sản làm nền tẳng cho phát triển du lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc quản lý tại điểm du lịch di sản như: phát huy những giá trị văn hóa, tinh thần của những di sản, phát huy năng lực của các cơ quan quản lý; cách thức để đưa danh tiếng của di sản đến với người dân và thế giới; bảo tồn những giá trị này một cách bền vững nhất cho các thế hệ tương lai.

Đánh giá cao sự trân trọng và quan tâm của Colombia đối với kinh nghiệm quản lý du lịch di sản của Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết đây là động lực rất lớn cho Tổng cục Du lịch Việt Nam, những nhà quản lý và cả các doanh nghiệp tiếp tục cố gắng để đưa du lịch di sản trở thành thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng là dịp để nhìn nhận lại những mặt hạn chế, những khó khăn và thử thách. Phó Tổng cục trưởng ghi nhận những ý kiến đóng góp của Colombia để phát huy những thế mạnh và tăng cường hơn nữa năng lực quản lý di sản.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục