Hành trang lữ khách

Tết cổ truyền người Mông, ấm đượm bản sắc

Cập nhật: 29/12/2008 09:12:00
Số lần đọc: 2033
Hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc, người Mông đón Tết trong khí trời giá rét nhưng ấm đượm tình người. Đi dọc quốc lộ 6, thẳng hướng Sơn La, rồi rẽ phải đi Hang Kia - Pà Cò, ta bắt gặp khu định canh, định cư của đồng bào dân tộc Mông. Chúng tôi đến xóm Hang Kia – xã Hang Kia - huyện Mai Châu – Hòa Bình đúng vào dịp Tết cổ truyền, nhà nhà chuẩn bị đón Tết, tiếng giã gạo làm bánh dầy vang khắp xóm, chị em người Mông náo nức mặc những bộ váy mới đi chúc Tết.

Tết của người Mông khác lắm, họ đón Tết vào ngày 30/11 âm lịch hàng năm (trước Tết cổ truyền của người Kinh một tháng) và ăn trong 3 ngày. Mỗi độ xuân về, người dân tộc Mông dù làm ăn ở xa cũng nhớ ngày Tết cổ truyền này mà về thắp hương tổ tiên, mong các cụ phù hộ cho gia đình luôn mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Công việc chuẩn bị đón Tết của người Mông cũng giống người Kinh, họ chuẩn bị cho Tết vào trước ngày 30/11 âm lịch, sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dầy (thay vì người Kinh làm bánh chưng). Ban thờ của người Mông độc đáo và mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện nét độc đáo, giản dị như cuộc sống của họ. Ban thờ để chính giữa hướng đường, chỉ với một tờ giấy trắng tự làm ra, dán lên tường cùng các hình thù trang trí, biểu tượng cho sức khỏe. Mỗi lần thắp hương cúng tổ tiên, người Mông đem bàn gỗ ra để các vật thờ lên trên đó, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dầy và một ít hoa quả, họ còn thờ cái cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột… (những vật dụng giúp họ trong sản xuất, săn bắn). Người Mông quan niệm những vật dụng đó cũng như con người, cũng phải để nó nghỉ, có vậy năm sau nó mới có sức khỏe để cày, bừa, săn nhiều chuột, giúp con người khỏi bị đói rét. Ngoài ra, người Mông còn thờ 2 bếp chính, thắp hương liên tục 3 ngày để thần bếp giúp họ luôn giữ ngọn lửa, xua đuổi tà ma và thú dữ. Những vật dụng dùng để thờ thường là những thứ mà chính tay người Mông làm ra…. Anh Sùng A Sía, cán bộ UBND xa Pà Cò cho hay: Trong dịp Tết cổ truyền, người Mông luôn thờ ma nhà và những vật dụng giúp họ sinh sống, phát triển.


Tết của người Mông cũng là dịp để các đôi trai, gái tìm hiểu nhau. Từ sáng sớm họ chuẩn bị quần áo mới, đến đúng 7 giờ sáng, tập trung tại một địa điểm rộng để chơi trò ném quả vải (đây là quả tự tay họ làm ra bằng vải sợi), chàng trai ném quả vải về hướng cô gái mà mình thích, nếu cô gái đó thích thì bắt lấy, coi như đó là sự đồng ý. Ngược lại, nếu cô gái nào yêu một chàng trai thì cũng làm như vậy. Trò chơi ném quả vải diễn ra trong 10 ngày liên tiếp, lúc nào mệt, đói thì nghỉ. Đến tối, họ lại tập trung chơi trò ném quả lông, y như trò chơi ném quả vải, 2 trò này giống nhau về cách chơi, chỉ thay đổi vật để ném. Nhiều đôi trai, gái trong bản lên duyên vợ chồng cũng nhờ vào Tết cổ truyền và những trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc. Anh Vàng A Thào ở xóm Hang Kia tâm sự: Trước đây, tôi lấy vợ cũng nhờ trò chơi này, tôi ném quả vải về hướng cô gái tôi yêu (nay là vợ), thể hiện tình yêu của tôi, thế là tôi lấy được vợ. Đối với người Mông, những cặp uyên ương đã yêu nhau thì không ai có thể chia rẽ họ được, một sự tự nguyên, không ép buộc.


Người Mông rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm đó họ gặp may mắn, nên đón tiếp rất chu đáo, mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi khách ra về người Mông còn mừng tuổi cho 2 chiếc bánh dầy tự tay họ làm ra. Hai xã Pà Cò và Hang Kia có 731 hộ, trong đó 97% là người dân tộc Mông, họ đoàn kết khăng khít với nhau, giúp nhau vượt qua khó khăn, nhà ai trong xã có chuyện vui, buồn họ đều chia sẻ. Anh Vàng A Trà ở xã Hang Kia cho biết: Nếu nhà ai có việc, dù tối hay sáng, dù mưa hay nắng, tất cả thanh niên trong làng tập trung vào giúp đỡ không kể công, có vậy thì mọi người mới giúp đỡ khi mình gặp khó khăn. Tình làng nghĩa xóm thể hiện rõ nhất ở những lúc như thế này. Chính vì vậy, cả hai xã không còn hộ nghèo, 100% người Mông nơi đây có xe máy, ti vi, xóa được hết nhà tranh dột nát, đời sống của người dân khấm khá hẳn lên.


Anh Sùng A Sía, cán bộ UBND khẳng định: Từ khi xóa bỏ được cây thuốc phiện, nhân dân chăm chú làm ăn lương thiện, tăng gia sản xuất góp phần vào phát triển kinh tế huyện nhà. Như trước kia, nhà anh Vàng A Thào, xã Hang Kia, có trồng xung quanh vườn 3 ha cây thuốc phiện, lúc đó đời sống khó khăn lắm, nay nghe Đảng, Nhà nước, anh đã phá bỏ toàn bộ cây thuốc phiện và thay vào đó là củ rong riềng, mỗi năm thu nhập hơn 30 triệu đồng.


Tôi ra về, chào người dân tộc Mông mến khách, giản dị mà trong lòng lưu luyến. Ngoài trời sương vẫn rơi, tiết trời vẫn lạnh, nhưng trong mỗi căn nhà đều ấm đượm tình người với lời cầu chúc chân thành “sáng cò xông xe kháng khàng” nghĩa là “Chúc mừng anh (chị) năm mới mạnh khoẻ”./.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục