Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Du lịch ASEAN đặt ra tầm nhìn mới để trở thành một điểm đến nổi bật hơn
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cơ quan Du lịch Quốc gia ASEAN lần thứ 59 (Ảnh: TITC)
Hội nghị tập trung xem xét báo cáo của 04 Ủy ban hợp tác du lịch ASEAN, bao gồm: Ủy ban Cạnh tranh du lịch ASEAN (ATCC): Đây là Ủy ban có nhiều hoạt động, được triển khai thường xuyên nhất, Malaysia làm Chủ tịch 2024-2025, Brunei và Lào là Phó Chủ tịch; Ủy ban Phát triển du lịch bền vững và toàn diện ASEAN (ASITDC): Philippines làm Chủ tịch 2024-2025, Indonesia và Myanmar là Phó Chủ tịch; Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC): Campuchia làm Chủ tịch 2024-2025, Thái Lan là Phó Chủ tịch; Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (ATRMEC): Việt Nam làm Chủ tịch 2024-2025, Singapore là Phó Chủ tịch.
Trong năm 2023, các nước thành viên đã tăng cường tổ chức các Hội thảo trực tiếp và trực tuyến như: Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN tại Việt Nam; Hội thảo Quy hoạch Kinh doanh Du lịch Sinh thái ASEAN tại Thái Lan; Hội thảo khu vực: Ra mắt và khởi động Dự án Tăng cường quản lý chất thải đô thị trong khu vực ASEAN (AMUSE) tại Indonesia; Hội nghị quốc tế về MRA-TP lần thứ 4 và Diễn đàn Mạng lưới Đào tạo và Giáo dục Du lịch ASEAN+3 (trực tuyến); Diễn đàn Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN và Phiên họp Nhóm Truyền thông Khủng hoảng Du lịch ASEAN lần thứ 3 tại Malaysia; Hội thảo về Đầu tư Du lịch ASEAN tại Indonesia; Hội thảo sửa đổi Tiêu chuẩn MICE ASEAN tại Thái Lan…
Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TITC)
Về phía Việt Nam, nước ta tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động, dự án du lịch quan trọng trong ASEAN. Việt Nam đang chủ trì dự án xây dựng Sản phẩm Du lịch Lễ hội ASEAN thuộc Ủy ban ATCC. Trong năm 2023, Việt Nam đã tổ chức Hội thảo về Du lịch Lễ hội ASEAN tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu là đại diện một số nước thành viên ASEAN, Đại sứ quán các nước ASEAN và đối tác tại Việt Nam, Văn phòng đại diện cơ quan du lịch nước ngoài tại Việt Nam, một số Sở quản lý du lịch địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Nguồn lực, giám sát và đánh giá du lịch ASEAN (ATRMEC) giai đoạn 2024-2025, quản lý chung việc triển khai Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025, Kế hoạch phục hồi du lịch ASEAN 2021-2025, Quỹ ASEAN NTOs và các dự án đề xuất sử dụng kinh phí từ Quỹ này.
Vui mừng khi thấy ngành du lịch ASEAN đã có một năm sôi động với nhiều dự án và sự kiện đa dạng được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các quốc gia thành viên, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của thị trường nội khối ASEAN vào sự hồi phục của toàn khu vực.
“Tại Việt Nam, trong số 12,6 triệu lượt khách quốc tế đến vào năm 2023, chúng tôi đã đón khoảng 2,1 triệu khách du lịch từ các nước thành viên ASEAN, một sự phục hồi tốt sau đại dịch. Đặc biệt, lượng khách đến từ Lào, Campuchia và Singapore đã vượt mức của năm 2019. Tôi tin tưởng tích cực rằng năm 2024, tất cả các thị trường ASEAN sẽ hồi phục hoàn toàn”, Cục trưởng cho biết.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)
Dựa trên báo cáo của các Ủy ban, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã đề xuất một số phương hướng, ý tưởng hợp tác khu vực. Cụ thể, về marketing du lịch, theo xu hướng hiện nay là đi lại ngày càng gần hơn vì vậy bên cạnh các thị trường mục tiêu đường dài hiện tại (Mỹ, Anh, Úc, Ấn Độ) và các chiến dịch nội khối ASEAN cần quan tâm hơn đến các hoạt động chung tại ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nước ASEAN cũng có thể tận dụng sự phối hợp của các đối tác đối thoại của ASEAN như US-ABC, PATA và UNWTO vì các đối tác này có danh mục thành viên tốt và các kênh truyền thông giúp quảng bá du lịch ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ủng hộ Lào xây dựng tiêu chuẩn Du lịch sinh thái ASEAN như một ưu tiên thực hiện trong Năm Chủ tịch ASEAN. Việt Nam đề nghị ASEAN khám phá các tiêu chuẩn mới trong những năm tới, có tính đến các xu hướng mới nổi của khu vực như du lịch golf, đang là sản phẩm hấp dẫn và cũng là thế mạnh của nhiều quốc gia thành viên.
ASEAN cần nỗ lực nhiều hơn nữa để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, có sự tham gia nhiều hơn từ các nước thành viên. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Dự án Phát triển sản phẩm mới, với trọng tâm hiện nay là Du lịch Lễ hội. Việt Nam đề nghị các thành viên hợp tác cung cấp hình ảnh, tài liệu để hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn về các chuyến Du lịch Lễ hội ASEAN và các hoạt động tiếp theo để xem xét tổ chức một lễ hội chung trong khu vực.
Lãnh đạo Cơ quan Du lịch Quốc gia các nước ASEAN tham dự Hội nghị (Ảnh: TITC)
Về nội dung xây dựng Chiến lược Du lịch ASEAN (ATSP) giai đoạn sau năm 2025, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao Philippines đảm nhận vai trò Điều phối viên chính xây dựng Kế hoạch Chiến lược. Cục trưởng đề nghị Philippines kịp thời làm việc với các quốc gia thành viên và các đối tác đối thoại của ASEAN để thực hiện báo cáo đánh giá ATSP hiện tại, cũng như mời gọi thêm sự tham gia khu vực tư nhân trong khu vực ASEAN.
“Khi chúng ta đặt ra tầm nhìn mới để du lịch ASEAN trở thành một điểm đến nổi bật hơn với hình ảnh thương hiệu khác biệt cho giai đoạn tiếp theo, tôi nghĩ chúng ta nên suy ngẫm về tính hiệu quả của logo và khẩu hiệu du lịch của mình để đảm bảo chúng đồng bộ với chiến lược mới”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thảo luận về kết quả du lịch giai đoạn 2022-2023; Quỹ ASEAN NTOS; Thiết lập cơ chế hội nghị bộ trưởng du lịch ASEAN-Trung Quốc; Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN lần thứ 27, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN+3 lần 44 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN-Ấn Độ lần thứ 31 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Ấn Độ lần thứ 11, Hội nghị Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN-Nga lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN-Nga lần thứ 3; Triển khai Tuyên bố PAKSE về lộ trình ASEAN vì sự phát triển chiến lược của các cụm du lịch sinh thái và hành lang du lịch...
Trung tâm Thông tin du lịch/Phòng Quan hệ quốc tế